viết i hay viết y?

Nguyễn Đức Dân

về trang chủ
Có một quy tắc bất thành văn về tính thẩm mỹ trong chữ Việt: hình chữ phải đẹp. Điều này dẫn tới hiện tượng “phá rào” với quy định viết i/y hiện nay GS TS Nguyễn Đức Dân Quy định ngày 30.11.1980 của Bộ Giáo Dục (viết tắt: QĐ) về chính tả liên quan đến hai chữ y và i như sau: “…trường hợp các âm tiết có nguyên âm i ở cuối thì viết thống nhất bằng i , trừ uy , như duy, tuy, quy…; thí dụ : kì dị, lí trí, mĩ vị. Chú ý: i hoặc y đứng một mình hoặc đứng đầu âm tiết vẫn viết theo thói quen cũ, thí dụ: ý nghĩa; y tế, ỉ eo, ầm ĩ, im, yêu.” Hiện nay có những ý kiến trái chiều với QĐ này. 1. Chữ viết là qui ước Chữ viết là quy ước nên chuẩn mực chính tả cũng là quy ước. Chữ Việt là loại chữ viết ghi âm. Khi ta nói, mỗi tiếng là một âm tiết. Mỗi âm tiết gồm có ba bộ phận: âm đầu – vần – thanh điệu Mỗi vần lại chứa các thành phần nhỏ hơn: Vần = âm đệm – âm chính – âm cuối Như vậy, âm đầu, vần (âm đệm , âm chính , âm cuối), thanh điệu là những yếu tố có liên quan đến chuẩn mực chính tả. Mỗi phương ngữ thường phát âm chuẩn ở bộ phận này của âm tiết nhưng lại phát âm sai ở một bộ phận khác. Không có địa phương nào phát âm hoàn hảo cả. Ví dụ về phân tích âm tiết: (1) nguyên = ng-u-yê-n; khuya = kh-u-ya (2) quy = qu-y- ; quân = qu-â-n (3) tay = t-a-y ; tai= t-a-i ; mấy= m-â-y (+thanh sắc) ; mới = m-ơ-i (+ thanh sắc) (4) yến = yê-n + (thanh sắc) ; uyển = u-yê-n (+ thanh hỏi) (5) thúy= th-u-y +(thanh sắc); thúi = th-u-i +(thanh sắc) (5) oxy = (o) x-y ; hy (dro) = h-y (dro) 2. Những điều còn bỏ qua - QĐ trên không chú ý tới thói quen khi viết âm tiết có bán nguyên âm đứng cuối được ghi bằng y hoặc i. (Các ví dụ 3) So sánh tay/tai, hay/hai. Cùng một nguyên âm, có i đứng cuối thì sẽ đọc dài ra, có y đứng cuối thì đọc ngắn đi. Lúc này nguyên âm a thể hiện âm vị /ă/ nên không ít học sinh mắc lỗi viết tăy, hăy. - Không nói tới công dụng của y hay i đứng cuối âm tiết để phân biệt hai vần uy/ui: Ví dụ 5” “Thuý” khác với “thúi”, “quý” khác với “cúi”… - Không đề cập tới quy tắc viết bằng chữ y trong những trường hợp (1), (2), (4), (5): + (1): Viết yê, ya khi nguyên âm đôi này đứng sau âm đệm /w/ : Nguyễn Khuyến; đêm khuya; + (2): Viết y sau chữ qu~ (bán nguyên âm u đứng sau /k/): quy luật; quy ước; quyền lực; quyết định; … + (4): Viết yê khi âm tiết vắng phụ âm đầu và là nguyên âm đôi /ie/: yến, yểm trợ, yêng hùng, niêm yết, uyển chuyển, yên tâm…Như vậy, viết yêu không phải là “viết theo thói quen cũ” như nhận định trong QĐ. + (5): Dù đứng một mình hay đứng cuối trong các từ phiên âm thì gốc sao phải viết vậy: dao i nốc ( inox ¬ inoxydable – không gỉ) , muối i ốt, …Nguyên âm /i/ đứng cuối nhưng vẫn phải viết là khí oxy, khí hy đrô. 3. Những điều chưa chuẩn QĐ trên không chú ý tới một quy tắc bất thành văn về tính thẩm mỹ trong chữ quốc ngữ: hình chữ phải đẹp, nghĩa là có sự cân đối về độ cao giữa các con chữ trong từ ngữ. Khái niệm này được hiểu như sau: - Ghép những phụ âm cùng độ cao với /i/ thì có khuynh hướng dùng i: Ví dụ: si mê (/*sy mê - tức là: không viết sy mê); mị dân (/*mỵ dân); chim ri (/*ry); rằn ri (/*ry); rên rỉ/ *rỷ; xanh rì/*rỳ; kẻ sĩ/*sỹ; vĩ mô; vi phạm; vì sao; vì vậy; vị trí; Trong Gia Định Báo (GĐB), viết “bán sỉ” (số 06.5.1882). Không thấy số nào viết bán sỷ. “Thói quen viết ỉ eo, ầm ĩ, im…” (QĐ) phản ánh quy tắc này. - Khái niệm cân đối còn được hiểu là trong một từ nếu con chữ một phụ âm nhô cao lên thì ta viết y nhằm tạo ra sự hài hòa trên dưới. Viết lý thì phần trên và phần dưới chữ này cân đối với nhau, còn viết lí thì phần dưới chữ này hơi bị hụt. Vì vậy trong báo Nông Cổ Mín Đàm (NCMĐ), năm 1902, chúng ta gặp: Lý văn Ngọc; chánh lý; chưởng lý; mạng lý (11.01); không lý vì bộ tướng vậm vỡ; có lý lắm (27.3); Cũng lý do tương tự, trong GĐB, năm 1881, 1882 chúng ta gặp ký tên (26.12); thơ ký (12.02); trong kỳ 15 ngày (15.3)… trong NCMĐ, năm 1902, chúng ta gặp xem kỹ (06.3); ích kỹ (09.01; sai thanh hỏi); Nam-Kỳ; dầu thắng kỳ nhứt; anh lấy làm kỳ (24.7); , chẳng kỳ lòng súng lớn nhỏ; cho kỷ càng (21.8; sai thanh ngã),… Chúng ta còn gặp thanh ny hồi tục; mỹ danh, làng Bình-hy,…Cách viết Hoa Kỳ cũng nằm trong hệ thống trên. Trong những âm tiết vừa dẫn không gặp cách viết “trường hợp các âm tiết có nguyên âm i ở cuối thì viết thống nhất bằng i”như QĐ. - Còn “viết theo thói quen cũ, thí dụ: ý nghĩa; y tế..” (QĐ) vẫn phản ánh luật cân đối trong chữ quốc ngữ: Dùng y trong ý nghĩa; y tế để có sự cân đối giữa hai tiếng trong một từ ghép. - Trường hợp ngoại lệ “trừ uy, (thì viết y) như duy, tuy, quy…” (QĐ) thì báo thời đó lại viết ngược lại: Tất nhiên, không nói tới tui, dui vì đã chuyển thành vần khác rồi. Trong NCMĐ, chúng ta gặp nhơn gian qui Sở Khanh, vinh qui, Lão – kị - qui –y (03.4.1902) - Kích thước con chữ cũng là một lý do thẩm mỹ: Chữ i có kích thước ngắn hơn chữ y tạo ra ấn tượng là một đối tượng nhỏ. Vậy nên có khuynh hướng dùng i ngắn cho những đối tượng tạo ra ý niệm nhỏ: Thường viết li ti, tỉ mỉ, vi tính; chi li, chi tiết; chơi bi, sân si, lí nhí; … Hình như không ai viết chơi by, tỷ mỷ; chy ly, chy tiết, vy tính… 3. Ngoại lệ: Có những thói quen ngôn ngữ không tìm được lí lẽ của nó Trong tiếng Pháp hiện nay có từ poids (trọng lượng). Thuở xưa, từ này được viết là pois. Tới thời Phục Hưng có người cho rằng nó do từ Latinh pondus mà thành, vậy phải thêm d vào sau chữ i mới đúng. Thế là người ta đổi pois thành poids. Về sau có người chứng minh được pois chính do từ Latinh pensum (vật được cân xem nặng nhẹ thế nào) mà ra. Nhưng người Pháp đã quen dùng poids mất rồi. Đâu có dễ dàng từ bỏ một thói quen. Vậy là poids vẫn giữ nguyên cho đến ngày nay. Trong tiếng Việt có những biến thể trong cách viết i/y. Một từ mĩ là đẹp, mọi người quen viết nước Mỹ, châu Mỹ nhưng lại viết mĩ mãn. Những biến thể như vậy gặp rất nhiều. Điều đó bình thường, không có gì đáng tranh cãi. Lời kết Cách viết i/y trong QĐ không phù hợp với tâm lí người Việt và thực tế tiếng Việt nên chúng ta thường “vượt rào” hoặc mắc lỗi trước QĐ này. Nên chấp nhận những biến thể trong cách viết i /y

Nội dung trang WEB liên hệ GS TS Nguyễn Đức Dân . Điện thoại 0919420274
Kỹ thuật -trình bày liên hệ 0989091203