Tri nhận thời gian trong tiếng Việt

GS TS Nguyễn Đức Dân

về trang chủ
Mở đầu
Hầu như tất cả các công trình nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt từ xưa đến nay đều có đề cập phạm trù thời gian với hai quan niệm đối lập nhau: trong tiếng Việt có hoặc không có phạm trù thì.
Những người quan niệm tiếng Việt có phạm trù thì: Bùi Đức Tịnh (1952), Nguyễn Bạt Tụy (1953), Phan Khôi (1955), Trương Văn Chình - Nguyễn Hiến Lê (1963), Lê Văn Lý (1972), Lê Cận, Phan Thiều (1983) , Nguyễn Anh Quế (1988), Diệp Quang Ban – Hoàng Văn Thung (1992), Nguyễn Văn Thành (1992), Nguyễn Minh Thuyết – Nguyễn Văn Hiệp (1998), Panfilov (2002)… Những người quan niệm tiếng Việt không có phạm trù thì: Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ và Phạm Duy Khiêm (1940), M.B. Emeneau (1951), M. Grammont (1961), Hoàng Tuệ (1962), Nguyễn Kim Thản (1977), Đái Xuân Ninh (1986), Nguyễn Đức Dân (1996), Phan Thị Minh Thúy (2003). Đặc biệt, Cao Xuân Hạo (1998) đã nghiên cứu rất sâu và chứng minh rằng trong tiếng Việt không có phạm trù thì, chỉ có phạm trù thể.
Có những công trình chuyên nghiên cứu về thể, như Huỳnh Văn Thông tìm hiểu ý nghĩa thể qua vị từ tình thái trong tiếng Việt (1998), Nguyễn Hoàng Trung nghiên cứu về phạm trù thể trong tiếng Việt so sánh với tiếng Pháp và tiếng Nga (2005). Trong bài báo này chúng tôi chỉ đề cập đến sự tri nhận về thời gian của người Việt. Những giả thuyết về sự tri nhận thời gian
2.1 Con người và sự vật luôn luôn biến đổi. Con người biến đổi trong không gian và thời gian. Chúng ta có hai ẩn dụ:
THờI GIAN LÀ MộT ĐốI TƯợNG CHUYỂN ĐỘNG (G. Lakoff & M. Jhonson): Chúng ta nói: “xuân sang”; “từ nay trở đi”… Thời gian chuyển động từ quá khứ đến tương lai. Thời gian đến trước thành quá khứ, thời gian sẽ đến sau là tương lai. CON NGƯờI CHUYỂN ĐỘNG TRONG THờI GIAN: Chúng ta nói: “sang xuân”
Con người chuyển động trong không gian cũng tức là chuyển động trong thời gian. Thời gian trong những không gian đã đi qua là thời gian đến trước và trở thành thời gian quá khứ. Thời gian trong những không gian sẽ đi tới là thời gian đến sau và trở thành thời gian tương lai. Vậy khi con người chuyển động, thời gian cũng từ quá khứ tới tương lai. 1.2 Không gian là một tập hợp. Thời gian cũng là một tập hợp. Từ ngữ trỏ không gian hình thành trước. Những từ ngữ trỏ thời gian hình thành sau. Tập hợp không gian ánh xạ vào tập hợp thời gian. Cấu trúc từ ngữ không gian ánh xạ vào cấu trúc từ ngữ thời gian. Nghĩa là: Có sự chuyển nghĩa các từ ngữ không gian thành các từ ngữ thời gian. Những từ ngữ trỏ không điểm - vị trí không gian - trở thành những từ ngữ trỏ thời điểm - vị trí thời gian. Do vậy, nhiều mô hình, qui tắc cấu tạo từ ngữ không gian trở thành những mô hình qui tắc cấu tạo từ ngữ thời gian. Những cấu trúc ngữ pháp dùng cho không gian cũng được dùng cho thời gian. Trong tri nhận của chúng ta, cấu trúc không gian và cấu trúc thời gian không đồng nhất. Cấu trúc thời gian mở rộng hơn, có nhiều sự phân biệt hơn, nên lớp từ ngữ thời gian phong phú hơn. Điều này dẫn tới việc người Việt đã tận dụng lớp từ ngữ không gian và một só lớp từ ngữ khác để tạo ra những từ ngữ mới trỏ thời gian.
1.3 Tiếng Việt không có phạm trù thì. Vắng hình thức ngữ pháp thể hiện phạm trù này sẽ có những hình thức ngữ pháp khác và những phương tiện từ vựng để thay thế.
1.4 Trong tri nhận về thời gian, người Việt có phân biệt sự tình ở những thời gian hiện tại, quá khứ và tương lai. Người Việt cũng phân biệt thời gian gần và thời gian xa. Nghĩa là, trong tiếng Việt có những cách nói phản ánh ý nghĩa quá khứ gần, quá khứ xa, tương lai gần và tương lai xa.
1.5 Người Việt có các đơn vị thời gian, có phân biệt thời gian xác định và thời gian không xác định. Người Việt cũng nhận thức được những hiện tượng có chu kì, tính liên tiếp, tính tức thì của sự tình.
1.6 Có mối quan hệ giữa thời điểm nói, sự tình và thời điểm xảy ra sự tình. Để diễn đạt những mối quan hệ này trong quá khứ, hiện tại và tương lai, người Việt ý thức được về “điểm nhìn” hay là “không gian thời điểm nhìn”.
3. Từ ngữ không gian chuyển thành từ ngữ thời gian
3.1 Ba từ không gian tiêu biểu về vị trí- khoảng cách so với người nói
ĐÂY – một từ trực chỉ, trỏ vị trí không gian – không điểm – ngay nơi người nói và người nghe. “Tôi đây”; “Đây là vườn nhà tôi”; “Đây là tờ năm trăm nghìn giả”…Nếu không gian này không còn được nhìn thấy, người nói tạo ra một không gian tâm thức để người nghe “nhìn thấy”. Ví dụ: Viên sĩ quan chỉ vào sa bàn, chỉ vào tấm bản đồ và nói: “Quân ta sẽ phục kích tại đây”. Người dự báo thời tiết trong chương trình truyền hình chỉ vào một điểm trên bản đồ và nói “Nhiệt độ ở đây có thể xuống tới 5o C”. Người kể chuyện đưa tay chỉ vào chỗ “đây” trên cơ thể một ai đó và nói “Anh ấy bị bắn vào đây”. KIA – trỏ không điểm có vị trí xa nơi người nói, nhưng có nhìn thấy và do vậy, đó là vị trí xác định. ĐẤY - trỏ không điểm có vị trí xa nơi người nói, nhưng có thể không còn nhìn thấy, và do vậy có thể là vị trí không xác định. Biến thể của ĐẤY là ĐÓ. Chúng ta nói: “Đây rất hẹp, đấy rất rộng.”; “Đây là nhà anh Hai, kia là nhà chú Năm, đấy là nhà cô Sáu.”…
3.2 Các kiểu quan hệ thời gian
Trong không gian một chiều (đường thẳng), quan hệ không gian đặc trưng bằng khoảng cách gần – xa vô hướng. Thời gian là đối tượng chuyển động có định hướng trước sau, do vậy quan hệ thời gian đặc trưng bằng khoảng cách gần – xa hữu hướng và người Việt đã tạo ra những từ ngữ có chiều, nghĩa là những từ ngữ phân biệt được thời gian trong quá khứ và thời gian trong tương lai. Những từ chỉ không điểm thì không có chiều, như này, đây, kia, đó, nhưng khi chuyển sang dùng cho thời gian thì cần tạo ra những từ có chiều để phân biệt quá khứ và tương lai. Mặt phẳng là một không gian hai chiều, mỗi điểm được xác định bằng một cặp hai yếu tố x, y tạo thành tọa độ của nó. Còn thời gian lại không phải là 2 chiều. Những từ phản ánh không gian 2 chiều như mép, mé, cạnh, rìa, xéo, chéo,…không cần dùng cho lớp từ phản ánh thời gian.
3.3 Mở rộng lớp từ không gian thành lớp từ thời gian
Đào Thản [1983] cho rằng có thể tìm thấy sự tương ứng hoặc mối quan hệ chặt chẽ giữa phần lớn các đơn vị từ vựng biểu thị thời gian và quan hệ không gian. Chúng tôi cho rằng, lớp từ không gian xuất hiện trước sau đó chúng ta đã mở rộng lớp từ không gian thành lớp từ thời gian.
3.3.1 Ba từ không gian cơ bản đây, kia, đấy (và biến thể đó, ấy) được chuyển thành bộ ba từ dùng trong những miêu tả thời gian hiện tại, quá khứ và tương lai. Từ đây trực chỉ không điểm trở thành một từ trực chỉ thời điểm nói, tức là thời điểm hiện tại: “giờ đây”; “Đây là lúc non sông hùng tráng; Cờ Việt vàng son phơi phới trên trời cao” Này là từ trực chỉ một không điểm xác định ở ngay hoặc rất gần nơi mà người nói nhìn thấy. Nó cũng được dùng để thay thế. Khi “này” làm định ngữ cho một từ chiếm một không gian thì nó chỉ ngay cái không gian mà người nói nhìn rất rõ đó. Chuyển sang nghĩa thời gian, khi “này” làm định ngữ cho một từ thời gian thì nó chỉ ngay cái thời điểm, thời đoạn người ta đang nói tới. Khi làm định ngữ cho một sự tình thì nó chỉ ngay cái sự tình được nói tới. Như vậy, đây và này cũng được chuyển thành từ được dùng để tạo thành những từ trỏ thời điểm và thời đoạn hiện tại: giờ này, tuần lễ ~; tuần ~; tháng ~; lúc ~; hồi ~; dạo ~; khi ~; đời ~; thời ~. Này chuyển thành nay cũng dùng trỏ thời gian hiện tại, thời điểm nói: hiện nay, ngày nay, tuần nay, hôm nay, “Nay công bố quyết định”… Có sự khác biệt giữa này và nay. So sánh:
(a) Tháng này tôi phải hoàn thành phần việc được giao.
(b) Cả tháng nay tôi chả làm được việc gì cả.
Câu (a) có thể nói vào một thời điểm bất kì nào trong tháng, kể từ ngày mồng một và thời đoạn kéo dài đến ngày cuối cùng của tháng (do điểm nhìn có thể đặt ở tương lai). Trong khi đó, câu (b) chỉ có thể nói vào một ngày nào đó sắp hết tháng và “ cả tháng nay” không nhất thiết bao gồm những ngày còn lại của tháng. Hai từ ấy, đó dùng để diễn đạt ý nghĩa quá khứ xa và không xác định, theo cấu trúc “X ấy”, “X đó”: lúc ấy, năm ấy, ngày ấy, thời ấy, ngày đó, tuần đó, hồi đó, … “Đó”, “đấy” – những đại từ chỉ định – được chuyển thành từ đánh dấu mốc thời gian trong quá khứ xa: Sau đó họ không gặp nhau nữa; sau đấy mọi chuyện lại vẫn như cũ… Từ kia chủ yếu được dùng để trỏ thời gian quá khứ: hôm kia, năm kia, xưa kia, trước kia. Một trường hợp duy nhất kia được dùng để trỏ thời gian tương lai: “ngày kia” - một ngày đến sau ngày hôm nay 2 ngày. Chừng đó không đủ dùng để miêu tả các kiểu quan hệ thời gian trong tri nhận của người Việt (xem mục 2.4, 2.5). Tận dụng đặc điểm tiếng Việt có thanh điệu, người Việt đã tạo ra những từ cùng vần hoặc cùng phụ âm đầu với 3 từ trên dùng để miêu tả các kiểu quan hệ thời gian. Đó là sự mô phỏng các từ trỏ không gian để tạo ra những từ trỏ thời gian:
Đây → đây, bây, bây giờ
Này →này, rày, nay, nãy, nữa
Đấy → đấy, đó, ấy, bấy
Kia → kia, kìa, kỉa
3.3.2 Những cách dùng từ ngữ trong tập hợp không gian được chuyển thành những cách dùng từ ngữ cho tập hợp thời gian. Nghĩa là, cách dùng từ ngữ thời gian có ý nghĩa tương tự như cách dùng từ ngữ không gian.
Danh từ không gian trở thành danh từ thời gian. Ví dụ:
1)Từ “quanh” trỏ phần bao của một không gian, tạo ra sự nhận thức phủ kín không gian đó, như “quanh vùng”, từ đó tạo ra nghĩa phủ kín một thời đoạn: quanh năm.
2) Từ “suốt” có nghĩa “liền một mạch trong không gian”: Tít báo chạy suốt trang nhất; suốt từ đầu này tới đầu kia; cưa đứt đục suốt. Từ này được chuyển sang dùng để chỉ thời gian cũng với nghĩa “liền một mạch trong thời gian”: suốt ngày, suốt buổi; suốt đời; quanh năm suốt tháng;
3) Từ “thôi” trỏ một không gian dài và liên tục: Đi một thôi thì gặp đường mòn. Từ này sẽ chuyển thành “trỏ một thời gian dài và liên tục”: nói một thôi một hồi; “Đám trục lúa, chuyển thóc, cứ một thôi nghỉ lại tốn hào kem”. (VN, 22.01.71, t.6);
4) Khoảng cách không gian trở thành khoảng cách thời gian. Từ cách chỉ một sự tình đã xảy ra trong quá khứ: cách đây một tuần, cách đây vài hôm, cách đây một năm,
5) “Lát” có nghĩa là “một miếng mỏng được cắt ra”. Mỏng là ít, là ngắn về thời đoạn. Cái miếng mỏng này được chuyển thành “khoảng thời gian rất ngắn” trong tương lai: Nghỉ một lát, người bố nói tiếp.
6) “Chút” có nghĩa là “một lượng rất nhỏ, không đáng kể”. Cái lượng rất nhỏ này cũng được chuyển thành “khoảng thời gian rất ngắn” trong tương lai: nghỉ một chút; chờ chút nữa đi; chỉ chút xíu nữa là tôi quên mất.
Tính từ trỏ độ lớn không gian trở thành tính từ trỏ độ lớn thời gian: dài, ngắn, rộng, hẹp, như: một ngày đêm dài 24 tiếng, ngày rộng tháng dài, thời gian eo hẹp, … Từ mau không gian (lược mau; mưa mau hạt) trở thành từ mau thời gian: em đi chàng theo sau, em không dám đi mau; tiếng khoan như gió thoảng ngoài, tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa (TK); “gần” là một từ chỉ một khoảng cách không gian không xa, “gần đây” chỉ một khoảng cách không xa vị trí của người nói được chuyển thành một thời điểm không xa lúc nói, như “mấy ngày gần đây”, “gần đây dư luận xôn xao về vụ X”… Nữa, có ý nghĩa bổ sung, thêm vào về số lượng ( thêm đoạn nữa, cho thêm tí nữa đi, người nữa, một tờ nữa) chuyển sang nghĩa thời gian thành thời gian bổ sung, cộng thêm vào, vậy là thời gian đến sau. Từ đó, nó có ý nghĩa tương lai: lát nữa, chốc nữa, mấy hôm nữa, tuần nữa, ba năm nữa… Động từ chuyển động trong không gian trở thành động từ chuyển động trong thời gian: Rồi- chỉ sự kết thúc của một hoạt động nghĩa là hoạt động đó đã xảy ra trong quá khứ: làm rồi, ăn rồi, đến nơi rồi. Từ ý nghĩa này, từ rồi được dùng để trỏ thời gian quá khứ: vừa rồi, tuần rồi, tháng rồi, năm rồi, “Lâu rồi không thấy bác lại chơi”…
3.4 Vai trò của ẩn dụ “thời gian là một đối tượng chuyển động” trong việc hình thành lớp từ vựng thời gian của tiếng Việt
3.4.1 Từ định hướng không gian tới định hướng thời gian
Con người có định hướng không gian trước – sau và dùng hai giới từ TRƯỚC, SAU để định hướng . Từ đó trục không gian được sắp xếp theo trật tự: TRƯỚC – ĐÂY – SAU. Những quan hệ không gian trước – sau sẽ chuyển thành những quan hệ của những sự tình xảy ra trước và xảy ra sau, tức là những sự tình xảy ra trong quá khứ và tương lai. Trục này tương ứng với trục thời gian quá khứ - hiện tại – tương lai vì thời gian đến trước là thời gian thuộc về quá khứ, thời gian đến sau thuộc về tương lai. Và các từ trước, đây, sau lần lượt trở thành những từ dùng trong những miêu tả quá khứ, hiện tại và tương lai. Gọi A là một từ trỏ thời gian. “Thời gian A đến trước” sẽ thuộc về quá khứ. Cấu trúc “A đến trước” được rút gọn thành “A trước”, một cấu trúc trỏ thời gian A thuộc quá khứ: giờ trước; ngày ~; bữa ~; hôm ~; tuần ~; tháng ~; năm ~; ban ~; lúc ~; hồi ~; dạo ~; thuở ~; khi ~; đời ~; thời ~. Thời gian của sự tình “đến trước thời điểm đấy, đó trong quá khứ hoặc thời điểm đây hiện tại” cũng sẽ thuộc về quá khứ. Chúng ta nói gọn lại là “thời gian tới trước lúc đấy, lúc đó, lúc đây”. Cuối cùng được rút gọn thành “trước đấy”; “trước đó”; “trước đây”; “Thời gian tới gần lúc đây” được rút gọn thành “gần đây”. Cũng theo cách rút gọn như vậy, chúng ta nói: trước giờ này, trước tuần này ; trước ngày này; trước tháng này; trước lúc này. Hoàn toàn tương tự, thời gian chuyển động đến sau thời điểm, thời đoạn hiện tại sẽ thành thời gian tương lai: sau lúc đây → sau đây; sau lúc này → sau này; sau giờ này, sau tuần này; sau ngày này; sau ba ngày nữa; sau tháng này… Tương tự , cấu trúc “A sau” là một cấu trúc trỏ thời gian A thuộc tương lai: giờ sau; ngày ~; bữa ~; hôm ~; tuần ~; tháng ~; năm ~; lúc ~; hồi ~; đời ~; thời ~. Lưu ý về sự khác biệt sắc thái giữa trước và cách. Ví dụ: “Trước đây một tuần” và “Cách đây một tuần”. Dùng ẩn dụ thời gian là một đối tượng chuyển động, nên “Trước đây một tuần” là lối nói nhấn mạnh tới sự vận động của thời gian. Trong khi đó, “Cách đây một tuần” nhấn mạnh tới độ chính xác về khoảng cách thời gian. Cũng lí do trên, chúng ta nói được “lúc trước” nhưng không thể nói “*lúc cách”. Do thời gian là một đối tượng chuyển động nên những từ ngữ đặc biệt chỉ “độ lớn” và “tốc độ” chuyển động cũng chỉ thời gian đã xảy ra, tức là thời gian trong quá khứ: lâu, mau, loáng, nhoáng, thoáng, chóng, chày, thoắt, ù, vèo,… như: thoắt cái đã biến mất; ý nghĩ thoáng qua trong đầu; chạy ù về nhà; đạn vèo qua bên tai… Thời gian là một đối tượng chuyển động nên có đầu có cuối: đầu tuần, đầu năm, đầu giờ, cuối buổi…Đặt trong một phát ngôn thể hiện những hành vi cụ thể, những tổ hợp trên sẽ tạo ra ý nghĩa thời gian cụ thể. Khi nghe “Cuối buổi sáng nay, mời ông quay lại đây”, “Đầu giờ chiều nay, mời ông quay lại đây”… Hành vi đề nghị “mời thực hiện một việc” cho biết việc này xảy ra trong tương lai. (xem §4) Vậy “cuối buổi sáng nay”, “Đầu giờ chiều nay” là những thời gian trong tương lai.
3.4.2 Khuôn tạo từ không gian chuyển thành khuôn tạo từ thời gian
Chúng ta chuyển động trong không gian từ gốc A tới đích B theo khuôn “từ A đến (/tới/ra/sang…) B”. Từ đó hình thành hàng loạt từ ghép AB, như trên dưới, trước sau, sau trước, phải trái. Thời gian cũng là một đối tượng chuyển động từ gốc A tới đích B và cũng theo khuôn “từ A đến (/tới/ra/sang…) B”. Từ đó cũng hình thành hàng loạt từ ghép biểu hiện thời gian AB thuận theo chuyển động tự nhiên của thời gian, như sáng chiều, chiều tối, tối khuya, tối đêm, khuya sớm, sớm muộn…
4. Sự chuyển nghĩa không gian thành nghĩa thời gian
4.1 Điểm nhìn hay là thời điểm nhìn
Các từ trước ; đây/này ; sau phân đoạn thời gian thành quá khứ – hiện tại – tương lai chỉ là phân đoạn qui ước theo thời điểm nói hiện tại. Dùng trước đây để chỉ thời gian trong quá khứ, còn sau đây, sau này để chỉ thời gian trong tương lai. Trong thực tế sử dụng tiếng Việt, nếu như người nói luôn luôn sử dụng điểm nhìn để định vị các từ ngữ trong không gian thì người nói cũng sử dụng điểm nhìn – thời điểm nhìn - để chuyển những phân đoạn thời gian qui ước theo thời gian của điểm nhìn, và như vậy có thể khác với thời gian qui ước. Điểm nhìn sẽ tạo ra “không gian điểm nhìn” hay là “không gian tâm thức” (mental space) theo quan niệm của G. Fauconnier, x.[25]. Đại từ thay thế này, các tổ hợp từ trỏ thời gian “X đây ”, “X đó”; “X đấy”; “X này ” có thể dùng để biểu hiện thời điểm nhìn. Chúng ta minh họa qua một vài ví dụ. Một bài hát có lời “ngày này năm xưa em còn bé tí teo; ngày này năm xưa em bé như con mèo. Ngày này năm nay không còn bé tí teo...” Lúc chúng ta kéo “ngày này” về quá khứ năm xưa, lúc lại kéo nó trở lại hiện tại năm nay. Bình thường sau này, về sau để chỉ thời gian trong tương lai như “Sau này hẵng hay”, nhưng nếu lấy một thời điểm nhìn trong quá khứ thì sau này, về sau vẫn có thể chỉ một sự kiện trong quá khứ: “Trước đây tôi cứ đơn giản nghĩ rằng sau này tình hình sẽ tốt đẹp hơn, nhưng thực tế không phải vậy.” Thời điểm nói câu trên là hiện tại. Nhưng thời điểm nhìn khi nói câu (1) được đặt vào một thời đoạn quá khứ “trước đây”. Lúc đó tôi nghĩ trong tương lai “sau này”. Nghĩa là từ sau này được đặt trong phạm vi tác động của trước đây, nên nó trở thành quá khứ. Sau này tôi mới hiểu đó là lời nói đùa. Thời điểm nói câu (2) cũng ở hiện tại. Bình thường, trạng ngữ thời gian sau này trỏ sự tình xảy ra trong tương lai, nhưng từ “mới” trong câu (2) cho biết “tôi đã hiểu” vào thời điểm sau này. Nghĩa là sự tình “tôi hiểu” đã xảy ra trong quá khứ, nghĩa là vào thời điểm sau này. Suy ra thời điểm nhìn của sau này đã đặt ở quá khứ. Như vậy: Sau này, sau khi có thể biểu hiện một sự tình trong tương lai: sau này con sẽ hiểu; Sau khi tôi nói xong, các bạn sẽ phát biểu. Sau này, sau khi cũng có thể biểu hiện một sự tình trong quá khứ: “Sau này tôi mới hiểu ra ý của ông ấy”; “Cô bỏ chìa khóa vào túi sau khi khóa cửa”. Từ rồi để trỏ điều vừa nói đến đã được thực hiện, nghĩa là nó trỏ một sự tình đã xảy ra trong quá khứ: “Bà không về nữa rồi”. Nhưng nếu đặt thời điểm nhìn ở tương lai thì sự tình vẫn xảy ra trong tương lai: “Sáng mai bà không về nữa rồi” (Cây sồi mùa đông, truyện dịch); “Anh hãy ở lại chơi với anh Ba một ngày nữa. Mai anh ấy đi rồi.”
(4) Thứ năm tuần sau vào giờ này chúng ta lại gặp nhau nhé!
Cái “giờ này” không còn ở thời hiện tại. Chúng ta đã chuyển nó đến thời điểm nhìn vào một ngày trong tương lai. Đó là thứ năm tuần sau. (5) Trước đó, tôi luôn luôn nghĩ mình đúng.
(6) Sau đó, tôi chỉ im lặng.
Ở hai câu cuối, người nói đã chuyển thời điểm nhìn về trước hoặc sau thời gian “đó” trong quá khứ. Vậy các sự tình đã xảy ra.
4.2 Các đơn vị thời gian của người Việt
Lịch thời gian của người Việt theo mặt trăng. Sau này cũng dùng lịch theo mặt trời, nên có những cách dùng và những đơn vị thời gian pha trộn. Đời, kiếp, tuổi là khoảng thời gian sống, thời gian tồn tại của một sinh vật. Chúng có đơn vị thời gian là năm. Đơn vị của năm là tháng. Đơn vị của tháng là ngày (chứ không phải là hôm). Đơn vị của ngày là giờ, khắc. Đơn vị của giờ là phút. Hết một năm, người Việt có thói quen điểm lại những sự việc được mất, may rủi trong năm qua. Đó là lúc sắp sang năm mới người ta ngoái nhìn lại một năm đã qua, từ những ngày đầu tới ngày cuối. Vậy là hình thành cách nói năm ngoái, tức là năm qua. Người Việt không có thói quen tổng kết; không có thói quen nhìn lại sau một tháng, một tuần và lại càng không phải sau một ngày. Vì vậy, không có cách nói *tháng ngoái, *tuần ngoái, *ngày ngoái. Năm là đơn vị thời gian duy nhất trong cuộc đời mà người ta ngoái nhìn lại. Trước đây, với người Việt theo phép đo đạc thời gian can chi cổ truyền của Trung Quốc, thiên can (10 can: giáp, ất, bính, đinh,…) và địa chi (12 chi: tý, sửu, dần , mão,…). Mưa không qua ngọ , gió chẳng qua mùi; Đêm 5 canh, ngày 6 khắc; Tấm phải làm luôn canh (Truyện Tấm Cám); Nửa đêm, giờ tý, canh 3; Tình chung một khắc nghĩa dài trăm năm (cd); Như vậy, độ dài của canh và khắc khác nhau: canh = 1/5 đêm; khắc1 = 1/6 ngày (cần phân biệt với khắc2 = ¼ giờ = 15 phút)
4.3 Phân cắt thời gian
Người Việt lưỡng phân ngày/đêm. Một ngày được phân thành những thời đoạn sáng, sớm, trưa, chiều, tối, đêm. Các thời đoạn này có thể được phân nhỏ hơn nữa nhưng với ranh giới không rõ ràng. Chúng ta gặp tờ mờ sáng, sớm, sáng, sáng sớm, trưa, xế trưa, chiều, xế chiều, chập tối, nhá nhem tối, tối, khuya. Tên chung cho những đơn vị này, tức “loại từ” thời gian, là ban, buổi, bữa. Ban sáng/ ~ trưa, ~ chiều, ~ tối, ~ đêm. Buổi sáng, ~ trưa, ~ chiều, ~ tối. Bữa sáng, ~ trưa, ~ chiều, ~ tối. Sự khu biệt của chúng như sau: Ban có thể kết hợp với nãy để chỉ quá khứ gần, còn buổi và bữa thì không: Nói ban nãy, nhưng không nói *buổi nãy, *bữa nãy. Buổi nhấn mạnh tới công việc. Với ý nghĩa này, không thể thay buổi bằng ban, như: buổi làm; nghỉ mất buổi học; ngày hai buổi đến trường; học Anh văn buổi đực buổi cái; buổi chợ (gái thương chồng đang đông buổi chợ). Hầu như không nói *buổi đêm (vì người xưa không có buổi làm việc vào đêm); thời buổi gạo châu củi quế này. Người Việt cũng phân chia thời gian trong ngày theo những bữa ăn nhất định. Bữa thành một đơn vị thời gian: bữa trước; bữa sáng; dăm bữa nửa tháng; bữa qua; Có sự phân biệt giữa sáng và sớm: Sáng - có nhiều ánh sáng khiến trông rõ. Sáng đối lập với tối. Sớm – thời điểm, thời đoạn đến trước trong ngày. Phái sinh của nghĩa này là đến trước thời hạn (lấy chồng sớm làm gì/để lời ru thêm buồn). Sớm đối lập với muộn. Người Việt có nhận thức về những sự kiện được lặp lại theo chu kì, thành một vòng thời gian tuần hoàn, với tên gọi là tuần. Đó là tuần trăng, tuần nhang, tuần chay… Trong tuần trăng lại phân thành thượng tuần, trung tuần, hạ tuần. Khái niệm “cúng tuần” trỏ việc cúng vào một số ngày là bội số của 7: cúng 7 ngày, cúng 21 ngày, cúng 49 ngày. Khái niệm “tuần lễ” xuất hiện khi đạo Cơ đốc truyền vào Việt Nam. Người Việt thấy rằng cứ sau một chu kì 7 ngày, giáo dân lại tới nhà thờ làm lễ, nên gọi cái chu kì này là tuần lễ. Những chu kì thời gian theo thuyết luân hồi của đạo Phật: đờì, kiếp. Một vòng đời; một kiếp người…
4.4 Người Việt không đo đạc, ước lượng chính xác thời gian
4.4.1 Trong tiếng Việt nhiều từ ngữ đo lường thời gian không chính xác. Thời đoạn là một quá trình có thể đo đạc, ước lượng được. Nhưng có những thời đoạn không xác định: chốc, chút , lát, dạo, giấc là những thời đoạn không có độ dài xác định nên không thể kết hợp với số từ và cũng không thể đo thời đoạn đó lâu hay mau. Nghĩa là không thể nói *năm chốc; *hai chút; *ba lát, * 4 dạo, *lát lâu, *chốc mau. Chỉ có thể nói một chút, một lát, một dạo; đôi chút; chẳng mấy chốc.... như là những quán ngữ trỏ toàn khoảng thời đoạn. Có mối quan hệ chuyển biến giữa thời đoạn (có độ dài) và thời điểm (không có độ dài): Khi thời gian quá xa, càng xa càng khó nhìn thấy cả một đoạn, nên thời đoạn dần dần trở thành thời điểm. Trong cách nói “Năm tôi ra đời” thì “năm” chỉ thời điểm. Còn “thuở” chỉ một thời điểm rất xa: “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi”. Cả đời người cũng có thể trở thành thời điểm: “Trên hành tinh có 5 tỉ tuổi như Trái đất thì đời người chỉ là chất điểm, quá ngắn ngủi ” (TT, 26.7.2009). Đơn vị đo thời đoạn “hồi” chỉ một quá trình hoạt động liên tục này khá co giãn: hồi trống, hồi chuông, gió rít từng hồi; “trống đánh ba hồi đã thấy quan”. Hồi chuyển thành một từ trỏ thời đoạn: hồi lâu, hồi chiều, hồi hôm, hồi trẻ. Còn giấc – khoảng thời gian ngủ - cũng được dùng để đo thời đoạn: Cứ giấc trưa là nó về; vào giấc này đường vắng. (TĐTV) Với người Việt: thời gian gần thì dễ xác định, thời gian xa thì khó xác định. Với 10 ngày đầu tháng, chúng ta đo chính xác bằng loại từ mồng/mùng. Nhưng từ ngày thứ 11 trở đi không có loại từ cho những ngày này. Không nói được *mồng 11, *mồng 25… Ước lượng thời gian ban ngày theo vị trí của mặt trời: mặt trời đã lên khỏi ngọn tre/lên một con sào; mặt trời đã đứng bóng (= giữa trưa), mặt trời sắp lặn rồi. Theo một bài đồng dao thì người Bắc Bộ đo ngày trong tháng theo mặt trăng. Những ngày đầu tháng, đo theo hình thức của mặt trăng: “mồng một lưỡi trai, mồng hai lá lúa, mồng ba lưỡi liềm, mồng bốn câu liêm, mồng năm liềm giật, mồng sáu thật trăng”. - Những ngày từ giữa tháng trở đi: đo theo công việc liên quan đến giờ trăng lên: “Mười bẩy sẩy giường chiếu; mười tám nhám trấu; mười chín rụn rịn (?) nụ cười, hai mươi giấc tốt, hăm mốt nửa đêm”. - Không đo được thời gian trăng lên cho những ngày cuối cùng trong tháng: “hăm nhăm đã vậy, hăm sáu làm sao, hăm tám thế nào, hăm chín thế ấy. Ba mươi không trăng”.
4.4.2 Người Việt phân biệt nhiều trạng thái thời gian quá khứ hơn là trạng thái thời gian trong hiện tại và tương lai. Có thể nguyên do là những điều đã biết, đã xảy ra thì dễ thấy hơn và do vậy dễ phân biệt được nhiều hơn những điều dự đoán.
Để tạo ra cách nói thể hiện thời gian trong quá khứ, chúng ta có những 10 từ ấy, nãy, đó, nọ, kia, qua, trước, rồi, ngoái, xưa. Trong khi đó chỉ có hai từ này, nay chỉ thời điểm nói, nên chúng thể hiện thời hiện tại (và từ đây trong cách nói duy nhất giờ đây). Để chỉ thời gian trong tương lai có các từ sau, tới và nữa (và duy nhất có phân biệt 3 ngày trong tương lai mai, mốt, kia). Những từ ngữ cụ thể, xem §4.5.2.
4.5 Biểu hiện phạm trù thời gian qua từ vựng và các tổ hợp từ vựng
4.5.1 Đó là các từ:
- có nguồn gốc không gian: đây, nay, này, nãy, ấy, đó, nọ, kia
- có nguồn gốc từ ẩn dụ thời gian chuyển động: qua, tới, trước, sau
- các từ chỉ thời đoạn: ban, hồi, lúc, lát, độ, cữ
- có nguồn gốc từ những từ chứa một tiền giả định về thời gian: rồi, mai, mốt, ngay, liền, mới, vừa, định, toan , chực
4.5.2 Tạo ý nghĩa thời gian qua biện pháp tổ hợp từ ngữ thời gian
Đây là cách tổ hợp các từ chỉ định không gian, các từ thời đoạn, các tính từ (lâu, xưa) và các từ thời gian. Người Việt có phân biệt thời gian gần và thời gian xa. Những ý nghĩa này liên quan trực tiếp tới thuộc tính của những từ trong các tổ hợp từ ngữ thời gian . Những từ trỏ không điểm gần (đây, này và biến thể nay, nãy) sẽ tạo ra thời gian gần. Những từ trỏ không điểm xa (đấy, ấy, đó, nọ, kia) sẽ tạo ra thời gian xa. Dùng từ đây để tạo ra cụm từ mang ý nghĩa quá khứ bằng cách nhìn nhận “khoảng cách thời gian chuyển động cho tới lúc đây”, tức là cách đây: cách đây 1 tuần, cách đây không lâu… Dùng từ sau (với ẩn dụ ẩn dụ thời gian là một đối tượng chuyển động) sẽ tạo ra ý nghĩa tương lai “Sau 15 ngày nữa mới hết hạn”, hôm sau, tuần sau,…Từ thời đoạn X nào đứng trước SAU, tức là “X (đến) sau”, sẽ là thời đoạn đến sau: lúc sau, lát sau, hồi sau, hôm sau… Nếu điểm nhìn của sau đặt ở quá khứ thì chúng trở thành thời gian quá khứ xảy ra trước hiện tại và sau lúc SAU. Nếu điểm nhìn của phát ngôn ở hiện tại thì chúng trỏ thời gian trong tương lai. Tương tự, từ thời đoạn X nào đứng trước TRƯỚC, tức là “X (đến) trước”, sẽ là thời đoạn đến trước: lúc trước, hồi trước, hôm trước, ngày trước…Chúng đều trỏ thời gian trong quá khứ. Con người trưởng thành theo chuyển động thời gian nên lớn lên (sẽ hiểu) là cách diễn đạt tương lai không xác định. Để tạo ra ý nghĩa “tương lai gần” có những cách sau: - Kết hợp đây với sau, thành “sau (lúc) đây”, sẽ tạo ra ý nghĩa “tương lai gần nhất, ngay sau thời điểm hiện tại”:sau đây, ngay sau đây - Nữa có nghĩa là “bổ sung, thêm vào”. Mà “bổ sung, thêm vào” thì không nhiều. Thời gian thêm vào là thời gian trong tương lai. Vậy nữa cũng là một chỉ tố tương lai gần. Các từ chỉ thời đoạn ngắn lát, chốc kết hợp với nữa sẽ mang ý nghĩa tương lai gần: lát nữa, chốc nữa. Để tạo ra ý nghĩa “quá khứ gần” có những cách sau: - Từ qua trỏ một đơn vị thời gian chuyển động ở thời điểm liền trước hiện tại nên nó là một chỉ tố biểu hiện thời gian quá khứ liền kề với hiện tại. Những thời đoạn kết hợp với qua sẽ tạo ra ý nghĩa quá khứ gần (tính theo thời đoạn đó): giờ qua, bữa qua, hôm qua, ngày qua, tuần qua, tháng qua, năm qua, hồi qua, đời qua (và từ ngoái cho đơn vị năm: năm ngoái). - Nãy dùng với ý nghĩa một chỉ tố thời gian quá khứ gần, do nãy là phái sinh của này – một từ chỉ không điểm ở ngay chỗ người nói. Nữa đối lập với nãy trong quan hệ tương lai – quá khứ. Chúng ta có cách nói “lát nữa”, “chốc nữa” để chỉ tương lai gần (mà không có “*lát nãy”, “*chốc nãy”). Còn các từ chỉ thời đoạn, thời điểm ban, hồi, lúc, khi kết hợp với nãy sẽ tạo ra cụm từ trỏ thời gian trong quá khứ gần: ban nãy, lúc nãy, hồi nãy, khi nãy, vừa nãy… Để trỏ một quá khứ chưa xa, chúng ta có gần đây - khoảng cách gần ngay thời điểm hiện tại “đây”, rồi, trước (hôm rồi, hôm trước, bữa rồi, bữa trước, năm rồi, năm trước, tuần rồi, tuần trước…) Từ kia trỏ thời gian không liền kề với thời gian hiện tại mà cách 2 đơn vị (bữa kia, hôm kia, ngày kia, năm kia) nên hình thành nét nghĩa “thời điểm ở xa” trong quá khứ hoặc tương lai của kia. Quá khứ xa: trước kia; trước đây; cho đến lúc ấy, tôi vẫn chưa hiểu ông ta/(điều này). Từ xưa có nghĩa là cũ. Cái xưa cũ trước thời điểm kia sẽ là rất xa, xa hơn nữa: xưa kia trỏ quá khứ rất xa. Để trỏ quá khứ rất xa còn có “ngày xưa”. Tương tự, đấy, đó chỉ không điểm cách xa người nói nên khi dùng đấy, đó (và biến thể ấy, nọ) chỉ thời điểm nó cũng chuyển thành ý nghĩa “thời điểm ở xa” trong quá khứ: ngày đó, ngày ấy, ngày nọ, hồi đó, dạo ấy, thời đó, thuở ấy, năm xưa/ấy … Vì thời gian ở xa thì khó nhìn rõ, khó xác định nên những cách nói trên không có thời điểm xác định trong quá khứ. Lượng từ một trỏ sự không xác định của đối tượng mà nó đi kèm. Vậy nên một hôm trỏ một ngày không xác định trong quá khứ và cũng trở thành một cụm từ chỉ quá khứ xa. Thời gian trong tương lai : nay mai, mai kia, mai sau Dùng phụ từ thời gian biểu hiện thời gian quá khứ và tương lai. Phân biệt nọ/ kia: Nọ luôn luôn chỉ quá khứ. Còn kia, tùy theo từ mà nó đi kèm, ngày hay hôm, sẽ chỉ tương lai hay quá khứ: ngày kia trỏ thời điểm trong tương lai cách hiện tại một ngày; hôm kia trỏ thời điểm trong quá khứ cách hiện tại một ngày. Để trỏ 3 ngày liên tiếp sau ngày kia, chúng ta có 3 từ ngày kìa, ngày kỉa, ngày kĩa. Thậm chí ngày kịa là ngày xảy ra tiếp theo sau nữa. Tương lai xa: sau này; một ngày kia, đời sau, kiếp sau. Không nói “*sau kia”, nên kia không phải là một đại từ chỉ định tạo ra một mốc thời gian. Các từ ghép thời gian được tổ hợp theo trật tự quan hệ trước-sau: năm tháng, ngày giờ, giờ phút; phút giây. Nhưng cũng nói giây phút. Vậy phải chăng người Việt không tri nhận sự khác biệt giữa những đơn vị thời gian quá nhỏ phút và giây? Dùng từ xác định (nọ), từ phiếm định (nào) để tạo ra sự phân biệt thời gian: hôm nào, ngày nào trỏ tương lai; hôm nọ, ngày nọ trỏ quá khứ . Lưu ý: Trong câu hỏi, điểm hỏi có thể đặt ở quá khứ, nên hôm nào, ngày nào có thể dùng để hỏi một thời điểm ở quá khứ: Chuyện ấy xảy ra hôm nào? Để tạo ra một thời điểm, thời đoạn không xác định trong tương lai, có cách dùng một từ trỏ thời điểm, thời đoạn A kết hợp với nào theo cấu trúc: “A nào + thuộc tính”: Hôm nào, dịp nào rảnh, anh ghé chơi; Hôm nào tiện tôi sẽ lại thăm anh ấy.
4.5.3 Trong tiếng Việt tồn tại những động từ tình thái có tiền giả định đòi hỏi về thuộc tính thời gian chưa xảy ra hoặc đã xảy ra của động từ trung tâm ở phần bổ ngữ của nó. Mới, vừa, rồi - động từ trung tâm đã xảy ra.
Định, toan, chực,…- động từ trung tâm chưa xảy ra.
4.5.4 Phạm trù thời gian tức thì: ngay
Ông ta hay ăn nói xa xôi, nhiều khi tôi không hiểu ngay. (Câu này có thời điểm nhìn trong quá khứ; còn nhiều khi trỏ sự lặp lại trong quá khứ.)
4.5.5 Phạm trù thời gian sự tình lặp lại: Phương thức dùng lượng từ
4.5.4.1 Cấu trúc “A khi X”, “A lúc X”, ở đó A = nhiều, ít, lắm, mọi, mỗi, luôn luôn trỏ sự tình X đã xuất hiện, nghĩa là đã xảy ra trong quá khứ, với mức độ lặp lại là A. Có những phân biệt sau:
“Mọi khi X”. Cấu trúc này có nghĩa “trong quá khứ luôn luôn xảy ra X”. và có tiền giả định “hiện nay không X” “Mỗi khi X (thì Y)”. Cấu trúc này nêu một qui luật về quan hệ nhân quả giữa X và Y: Trong quá khứ, ở tất cả các trường hợp xảy ra X thì cũng đều xảy ra Y. Cấu trúc này được rút gọn thành “Mỗi khi X, Y”. “Lắm khi(/lúc) X”, “nhiều khi (/lúc) X ”, “ít khi X”. Cấu trúc này có nghĩa “X đã xảy ra lắm lần, nhiều lần, ít lần trong quá khứ” “Có khi X”. Từ có chỉ sự tồn tại. Vậy cấu trúc này có nghĩa là “X đã từng xuất hiện trong quá khứ”.
4.5.4.2 Dùng từ mấy, một lượng từ phiếm định biểu thị một số lượng ít, để biểu hiện quá khứ gần theo cấu trúc “mấy – đơn vị thời gian + nay/sau/nữa”. Ở đó, “Mấy – nay” biểu thị quá khứ gần (theo đơn vị thời gian) cho đến hiện đại: mấy hôm(/ngày/ năm/ tháng) nay trời mưa tầm tã. “Mấy – sau” biểu hiện thời điểm nhìn trong quá khứ và sự tình xảy ra trong quá khứ: mấy hôm/ngày sau trời mưa tầm tã; “Lão ta thù dai, tôi nói sơ ý một chút mà mấy tháng sau lão ta vẫn còn giận”. Vì nữa là chỉ tố tương lai gần ( §4.5.2) nên mấy… nữa biểu hiện thời điểm nhìn trong tương lai và sự tình cũng xảy ra trong tương lai gần (theo đơn vị thời gian): Mấy ngày nữa trời sẽ mưa tầm tã cho mà xem. Cần chú ý tới vai trò của từ mấy. Trong khi ngày nay trỏ thời hiện đại thì mấy ngày nay trỏ quá khứ gần cho đến hiện tại.
4.5.5 Phạm trù thời gian sự tình liên tiếp, tiếp diễn: từ tình thái liền , luôn luôn
Trong cấu trúc: “đơn vị thời gian + liền”, từ liền biểu hiện sự liên tục về thời gian trong thời điểm nhìn. ( cấu trúc này không chấp nhận những câu không có đơn vị thời gian). Ví dụ: Mùa mất mấy năm liền. (*mùa mất mấy năm liền); Tôi mất ngủ mấy ngày liền. (*tôi mất ngủ mấy ngày liền); Phải uống 3 tuần liền mới hết bệnh. (*Phải uống 3 tuần liền mới hết bệnh) Từ luôn luôn biểu hiện sự tình thường xuyên xảy ra trong quá khứ: “Dạo này cô ấy luôn luôn vắng nhà”
4.5.6 Tạo ý nghĩa thời gian qua cấu trúc cú pháp
4.5.6.1 Để chỉ một thời đoạn khá xa xảy ra trong quá khứ và kéo dài cho đến hiện tại, chúng ta dùng lối nói con người chuyển động trong không gian “Từ A đến B” để thành “Từ bấy đến nay”, “Từ bấy lâu đến nay”, “Từ lâu đến nay”, “Từ trước đến nay”, “Từ trước đến đây”, “Từ xưa đến nay”, “Từ nãy đến giờ”… sau đó rút gọn cặp từ …đến và còn lại bấy nay, bấy lâu nay, lâu nay, trước nay, trước đây, xưa nay, nãy giờ…
4.5.6.2 Một trong những đặc điểm tri nhận của người Việt là lấy hai cực điểm làm mốc để tạo ra một phán đoán khái quát, tổng thể. Thật vậy: Những cách nói có ý nghĩa tổng thể, khái quát liên quan đến không gian: đầu đuôi câu chuyện; đầu làng cuối xóm; trước sau như một; thượng vàng hạ cám (hai cực trên dưới); “Làm trai cho đáng nên trai,/Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên” (hai cực đông tây), “Trong Nam ngoài Bắc, ai cũng biết vụ này” (hai cực Bắc Nam) Những cách nói có ý nghĩa tổng thể, khái quát liên quan đến thời gian và do vậy đúng với mọi thời điểm: Xưa nay lệ này không thay đổi; trước nay công việc vẫn vậy; trước sau gì cũng thế thôi.
4.5.6.3 Trong tiếng Việt có những cặp từ hô ứng phiếm định – xác định để tạo ra những phán đoán khái quát bao-bấy; nào-ấy; nào-đó; đâu-đấy; đâu-đó. Các phán đoán khái quát về thời gian cũng theo khuôn này. Một mặt, để tạo ra phán đoán khái quát có thể dùng cặp phiếm định – xác định “bao … bấy” theo mô hình “bao X … bấy X”, hoặc “nào … ấy/đó” theo mô hình “X nào … X ấy/đó” . Mặt khác, thời gian chuyển động và các sự tình hữu quan được nhắc tới không vô tình đi liền kề nhau mà có quan hệ nhân quả, nên những phán đoán này một cách khái quát cũng nêu quan hệ nhân quả giữa hai sự tình được nhắc tới. Do vậy, cấu trúc “bao X … bấy X” luôn luôn trỏ một phán đoán nhân quả khái quát nên ta có thể chêm từ thì với chức năng liên kết nhân quả - xen vào cặp phiếm định – xác định. Sự xuất hiện từ thì dẫn tới một hệ quả là từ “bấy” không cần thiết nữa cho quan hệ hô ứng nhân quả nữa. Và lúc này có thể lược bấy, rồi tiếp tục lược bỏ thì. Tập hợp: X = nhiêu, trỏ số lượng. “Bao nhiêu người bấy nhiêu ý kiến ”
Thời gian: X= giờ, trỏ thời gian. Bao giờ có bằng tiến sĩ bấy giờ tôi mới nghĩ tới chuyện lập gia đình. → Bao giờ có bằng tiến sĩ thì tôi mới nghĩ tới chuyện lập gia đình. → Bao giờ có bằng tiến sĩ, tôi mới nghĩ tới chuyện lập gia đình. Tập hợp: X = một đối tượng nào đó: “người nào làm người ấy chịu”; “ăn cây nào, rào cây ấy”
Thời gian : X= khi, lúc. Tương tự, cấu trúc “X nào … X ấy/đó” luôn luôn trỏ một phán đoán nhân quả khái quát. Giống như cấu trúc “bao X … bấy X”, ở cấu trúc này cũng có thể chêm từ thì xen giữa cặp phiếm định – xác định. Và lúc này từ xác định “X ấy” cũng có thể lược đi. Ví dụ: “Khi nào có quyết định, khi ấy tôi mới bàn giao công việc.” → Khi nào có quyết định thì tôi mới bàn giao công việc. → Khi nào có quyết định tôi mới bàn giao công việc.
5. Các hành vi ngôn ngữ tiền giả định (TGĐ) về thời gian của sự tình
Các hành vi ngôn ngữ TGĐ về thời gian của sự tình. Mỗi loại hành vi ngôn ngữ (HVNN) thường có những kiểu cấu trúc xác định. Như vậy, những cấu trúc thể hiện một HVNN đều TGĐ về thời gian của sự tình. Chúng ta nêu một số ví dụ.
Khi ra lệnh, yêu cầu, đề nghị, khuyên bảo, hứa hẹn thực hiện hoặc không thực hiện một điều X nào đó thì cái điều X ấy chưa xảy ra. Một cấu trúc của hành vi mệnh lệnh bắt thực hiện hành động X là “X đi!” (Học bài đi!). Từ đi trong cấu trúc này cho biết “X chưa xảy ra”. Một cấu trúc của hành vi đề nghị thực hiện hành động X là “X một chút” (chờ một chút!). Từ một chút trong cấu trúc này cũng cho biết “X chưa xảy ra”. Khi người nghe chấp nhận một mệnh lệnh, một yêu cầu, một đề nghị thực hiện điều X hoặc người nói hứa hẹn, khuyên bảo thực hiện điều X thì X sẽ xảy ra trong tương lai.
Có hiện tượng mơ hồ của các hành vi ngôn ngữ. Hiện tượng này kéo theo sự mơ hồ về thời gian của sự tình. Ví dụ: “Phải uống 3 tuần liền mới hết bệnh” là một câu mơ hồ.
a) Nếu là lời của một người khác (bác sĩ chẳng hạn) thì đây là câu mệnh lệnh và sự tình xảy ra trong tương lai , ai đó chưa uống thuốc 3 tuần liền.
b) Nếu là lời tôi hoặc ai đó tường thuật lại một sự tình thì hành vi tường thuật đã tiền giả định rằng sự tình đã xảy ra trong quá khứ: Tôi hoặc ai đó đã uống thuốc 3 tuần liền.
Đôi điều kết luận
Từ ngữ không gian và nhiều loại từ ngữ khác được chuyển thành từ ngữ thời gian là một hiện tượng rất thú vị của tiếng Việt. Cần tiếp tục nghiên cứu kĩ hơn về hiện tượng này. Có những nhóm từ tựa như đồng nghĩa nhưng vẫn có phân biệt trong cách dùng, trong những tổ hợp từ. Ví dụ: Rất nhiều trường hợp đều có thể dùng lát thay lúc, khi thay lúc mà nghĩa gần như không khác. Nói “lát sau”, cũng nói “lúc sau”. Nói “Tôi cần nghỉ một lát” nhưng cũng nói được “Tôi cần nghỉ một lúc”. Nói “Khi tôi 10 tuổi” nhưng cũng nói “Lúc tôi 10 tuổi”… Tuy nhiên, nói lát sau nhưng không nói *lát trước, nói chốc lát nhưng không nói *chốc lúc. Nói “Về cùng lúc” nhưng không nói “*Về cùng khi”…Vậy lát khác lúc thế nào, lúc khác khi thế nào…Ở những nhóm từ tựa như đồng nghĩa này, bên cạnh việc nghiên cứu định tính, cần có những nghiên cứu định lượng, tức là cần điều tra thống kê, mới có thể chỉ ra khuynh hướng và sắc thái nghĩa của từng từ một cách thuyết phục.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Diệp Quang Ban, ngữ pháp tiếng Việt, tập 2, 1992, Giáo Dục, Hà Nội
2. Lê Cận & Phan Thiều, Giáo trình ngữ pháp tiếng Việt, tập 1 & 2, 1983, Giáo Dục Trương Văn Chình, Nguyễn Hiến Lê, Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam, 1963, Đại học Huế
4. Nguyễn Đức Dân, Lô gích và tiếng Việt, nxb Giáo dục, 1996
5. Nguyễn Đức Dân, “Những giới từ không gian: sự chuyển nghĩa và ẩn dụ”, Ngôn ngữ, số 9. 2005
6. Cao Xuân Hạo, “Về ý nghĩa thì và thể trong tiếng Việt”, Ngôn ngữ, số 5, 1998
7. Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt – mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, 1998, Giáo dục, Tp HCM
8. Phan Khôi, Việt ngữ nghiên cứu (tái bản), 1997, nxb Đà Nẵng
9. Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Phạm Duy Khiêm, Việt Nam văn phạm, 1940, Hà Nội
10. Hồ Lê, Cú pháp tiếng Việt, quyển 1 (1991), 2 (1992), 3 (1993), KHXH, Hà Nội
11. Lê Văn Lý, Sơ thảo Ngữ pháp Việt Nam, 1971, Trung tâm học liệu Sài Gòn
12. Trần Ngọc Ninh, Cơ cấu Việt ngữ, 3 tập, Lửa thiêng, 1974, Sài Gòn
13. Đào Thản, “Về các nhóm từ có ý nghĩa thời gian trong tiếng Việt”, Ngôn Ngữ, số 1, 1979
14. Đào Thản, “Cứ liệu từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt về mối quan hệ không gian – thời gian”, Ngôn ngữ, số 3, 1983
15.Nguyễn Kim Thản, Động từ trong tiếng Việt, 1977, KHXH, Hà Nội
16. Nguyễn Văn Thành, “Hệ thống các từ chỉ thời-thể và phạm trù ngữ pháp của các cấu trúc thể-thời của động từ tiếng Việt”, Ngôn ngữ, số 2, 1992
17. Lý Toàn Thắng, “Ngôn ngữ và sự tri nhận không gian”, Ngôn ngữ , số 4, 1994
18. Lý Toàn Thắng, Mấy vấn đề Việt ngữ học và ngôn ngữ học đại cương, KHXH, 2002, Hà Nội
19. Huỳnh Văn Thông, “Mấy nhận xét về vị từ tình thái và ý nghĩa thể (espect) trong tiếng Việt”, Ngôn ngữ, số 8, số 10, 2000
20. Phan Thị Minh Thúy, Cách diễn đạt ý nghĩa thời gian trong tiếng Việt (so sánh với tiếng Nga), L.A tiến sĩ, 2003, ĐHKHXH&NV Tp HCM
21. Nguyễn Minh Thuyết & Nguyễn Văn Hiệp, Thành phần câu trong tiếng Việt, 1998, ĐHQG Hà Nội, Hà Nội
22. Bùi Đức Tịnh, Văn phạm Việt Nam, giản dị và thực dụng, Trung-tâm Học-liệu Bộ Giáo Dục, 1968, Sài Gòn.
23. Nguyễn Hoàng Trung, Thể trong tiếng Việt (so sánh với tiếng Pháp và tiếng Anh), luận án tiến sĩ, 2005, ĐHKHXH&NV Tp HCM
24. Hoàng Tuệ, Giáo trình Việt ngữ, 1962, Giáo dục, Hà Nội
25. Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, 1992
26. G. Fauconnier, Mental Spaces: Aspects of Meaning Construction in Natural language, Cambridge University Press, 1994
27. G. Lakoff & M. Jhonson, Metaphors We Live By, University of Chicago Press, 1980
28. Thompson, Laurence C., A Vietnamese Grammar, University of Washington, Press, Seatle, 1967
* Bài đã đăng trên tạp chí Ngôn ngữ, số 12. 2009, trang 1 - 14

Nội dung trang WEB liên hệ GS TS Nguyễn Đức Dân , Điện thoại 0919420274
Kỹ thuật -trình bày liên hệ 0989091203 , email truongsonh7@yahoo.com