Tiếng Việt đang “dài” ra

GS TS Nguyễn Đức Dân

về trang chủ

“Dư thừa” có dư không?


Thói quen nói năng đúng giáo điều mà không cần hiểu thấu đáo dẫn tới hệ lụy là hình thành thói quen chấp nhận, tư duy thụ động, không muốn lật lại nghĩa lý của câu chữ, khái niệm và lập luận khi tiếp nhận văn bản. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới những lối nói dư thừa.


Hiện tượng
Viên trung tá cảnh sát giao thông trả lời phỏng vấn trong chương trình Chào buổi sáng-CBS- (VTV1, 25.6.2011): “Chúng tôi đã xác định được những cơn mưa kéo dài trên một tiếng đồng hồ hoặc dưới một tiếng đồng hồ gây ngập lụt là 53 điểm.”
Sao không nói “Chúng tôi đã xác định được 53 điểm cứ mưa to là ngập” cho gọn? Cũng trong CBS, hàng ngày ra rả “người tham gia giao thông”, “các phương tiện tham gia giao thông”. Sao không nói “người đi lại”, “các phương tiện đi lại” cho ngắn hơn?
Chúng ta tìm căn nguyên của hiện tượng nói dài ngày càng trở nên phổ biến trong sách báo và văn bản tiếng Việt hiện nay.


Nguyên nhân
Anh dân quân đánh vần chưa thạo chữ quốc ngữ trong Đôi mắt của Nam Cao đã nói thuộc lòng một bài 3 giai đoạn kháng chiến phòng ngự, cầm cự, tổng phản công … ‘dài đến năm trang giấy’. Những người này cứ nói ra ‘là thấy đề nghị, yêu cầu, phê bình, cảnh cáo, thực dân, phát xít, phản động, xã hội chủ nghĩa, dân chủ với cả tân dân chủ nữa…’ (trích Đôi mắt, 1948). Cách nay gần 65 năm đã xuất hiện trên cửa miệng người dân bình thường những khái niệm cao xa mấy ai hiểu hết ý nghĩa này. Thời đó người dân tin theo Đảng nên đã nói đúng theo đường lối, theo chỉ thị, nghị quyết. Sáu bảy thập kỷ là khoảng thời gian tạo ra hai thế hệ, đủ dài để hình thành những thói quen ngôn từ nói năng đúng giáo điều mà không cần hiểu thấu đáo. Điều này dẫn tới hệ lụy là xã hội hình thành thói quen chấp nhận, tư duy thụ động, không muốn lật lại nghĩa lý của từ ngữ, câu chữ, khái niệm và lập luận khi tiếp nhận văn bản. Vả lại, nếu ai đó muốn bình luận sẽ tạo ra những lời nghịch nhĩ và trở thành “người có vấn đề”. Kết quả là người ta lo nói năng an toàn, cầm giấy phát biểu theo những giáo điều, dần dần hình thành thói quen kết luận mà không chú ý tới lý lẽ thuyết phục. Nhiều người nghèo đi về ngôn từ và tư duy, nhưng vẫn cần thể hiện mình. Vậy là sinh ra lối nói sang trọng với nhiều từ Hán-Việt nhưng lại không hiểu thấu đáo và những câu hùng hồn dài dòng rỗng nghĩa, dư thừa .


Những lối nói dư thường gặp
(qua phim truyền hình và một số chương trình truyền hình gần đây)
Dùng lặp hai từ Hán-Việt và thuần Việt đồng nghĩa
“Nạn rải đinh tái xuất hiện trở lại.” (CBS,06.5.2011) Tái xuất hiện là xuất hiện trở lại. Nói nạn rải đinh xuất hiện trở lại là đủ. Và “Mời các bạn nghe những tin tức cập nhật đầu tiên trong ngày” (CBS, 13.01.2010). Cập nhật là trong ngày. Nói “tin tức đầu tiên trong ngày” là đủ. Nguyên nhân chính của loại dư quá phổ biến này là trong nhận thức của người Việt hiện nay, nghĩa của nhiều yếu tố Hán-Việt đã “mờ” đi nên nhiều người không thấy “dư” nữa.
Khái quát: dùng lặp lại những từ đồng nghĩa, những diễn đạt đồng nghĩa
“Mục đích cô đến đây để làm gì?” (VTV3, p. Cuộc gọi lúc 0 giờ, tập 18)
Muốn biết mục đích của một hành động chúng ta hỏi để làm gì?”. Khẩu ngữ hàng ngày chấp nhận lối nói dư. Khẩu ngữ trong phim là khẩu ngữ văn học, được gọt rũa. Lời thoại trong phim càng ngắn càng tốt. Sao không biên tập lại “Cô đến đây làm gì?” cho gọn?
Lại nữa: “Chắc có lẽ là vậy” (CGLOG, tập 19) Chắc và có lẽ là hai từ thể hiện hành vi phỏng đoán một khả năng không chắc chắn. Nói “Chắc vậy” hoặc “Có lẽ vậy” là đủ.
Đưa vào lời nói những yếu tố đương nhiên tồn tại
“(Anh xin lỗi.) Anh đã tát vào má em” (p. Sự quyến rũ của người vợ, VTV3, 01.6.2011)
Một khi mở bàn tay đánh vào má thì gọi là tát, đánh vào mông gọi là phát, đánh vào mồm miệng gọi là vả, đánh vào tai gọi là bạt (rất ít dùng tát). Nói tát người nghe đương nhiên hiểu là tát vào má. Vậy nói “(Anh xin lỗi.) Anh đã tát em” là đủ. Tương tự, đứa em mách “anh đã cốc con” chứ không cần nói dài “anh đã cốc vào đầu con”.
Tường thuật trận chung kết bi-a loại carom 1 băng toàn quốc giữa Đặng Đình Tiến và Vũ Ngọc Long, bình luận viên nói: “Vũ Ngọc Long của Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt lên 35 – 29”; “Tay cơ Đặng Đình Tiến của Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi một mạch 12 điểm.” Thế là nói dư vì lúc đầu đã giới thiệu đây là cuộc đấu nội bộ của hai tay cơ Thành phố Hồ Chí Minh.
Nói dư thành sai
“Ở Việt Nam chủ yếu có mấy loại gấu?”. Gợi ý: 2, 3 hay 4? (VTV3, 30.5.2011; Đấu trường 100). Đáp án (Lời MC): “Hai. Không có thêm loại gấu nào nữa đâu.” Từ chủ yếu khiến câu hỏi định lượng này mang tính xác suất. Đáp án 2 khiến người nghe nghĩ rằng còn một loại gấu thứ ba (thứ yếu!) nữa. Dù 99,9% gấu ở Việt Nam là hai loại gấu ngựa và gấu chó thì vẫn có 0,1% thuộc loại gấu thứ ba. Nói như MC “Không có thêm loại gấu nào nữa đâu” là không chuẩn. Còn như, nếu chỉ có 2 loại gấu thì từ chủ yếu làm câu hỏi trên sai. Cần bỏ đi từ chủ yếu.
“Sáng tác này của Trần Hoàn vào năm nào: a)1948, b) 1958, hay c)1968?”
Đội A: 1958. Lời MC: “Đáp án này hoàn toàn sai” ; Đội B: 1948. Lời MC: Vâng, hoàn toàn chính xác!” (VTV3, 29.7.2011, Trò chơi âm nhạc)
Nếu 1948 là hoàn toàn chính xác, 1958 là hoàn toàn sai thì năm nào là chính xác không hoàn toàn, năm nào là sai không hoàn toàn? Lời MC dư từ ‘hoàn toàn’.
Dùng chập những cụm từ đồng nghĩa
“Một nữ tử tù trốn thoát, điều này chưa từng xảy ra bao giờ từ trước đến nay” (p. Nữ tử tù, VTV3, 17.5.2009). Chưa từng là chưa bao giờ và cũng là từ trước đến nay chưa xảy ra. Vì vậy, câu trên dư chập ba. Có 3 cách nói ngắn hơn: “điều này chưa xảy ra bao giờ”; “điều này chưa từng xảy ra” và “điều này từ trước đến nay chưa xảy ra”.
Hãy nói ngắn gọn, hơn là nói những câu nghe rổn rảng nhưng dông dài chữ nghĩa.

Phản Hồi

HÃY SỬ DỤNG TIẾNG VIỆT CHO ĐÚNG


Email: bichnguyenjr@gmail.com
Tôi nghĩ, nói hay viết trên truyền thông làm cho "tiếng Việt đang dài ra" như hiện nay là đều làm theo "định hướng", "chỉ đạo" hay bắt buộc đó thôi. Trong ngôn ngữ Việt trước đây không hề có câu chữ dài dòng, rắc rối và thiếu sáng nghĩa như vậy. Bây giờ nói riết thành thói quen, thành quán tính làm cho tiếng Việt dần dần xấu đi. Ví dụ như: về chứng bệnh "tiểu đường", là cách gọi ngắn gọn, dễ hiểu cớ gì nay lại áp cái tên mới là "đái tháo đường" rất không lịch sự khi dùng chữ "đái " trong văn viết. Còn có cách dùng sai chữ nghĩa như sau mà báo chí thường mắc phải như: "tự phong" hình thức kỹ luật là..... , theo định nghĩa "phong" là ban tặng với hàm ý tưởng thưởng như" tấn phong, phong tước,.., còn bị kỷ luật mà dám lạm dụng nghĩa "phong" vào thì ....bó tay luôn.


Họ tên: long Email: ngvlong@ymail.com
Nói ngắn , gọn ...thì làm sao người đọc biết mình là có văn hóa , nhất là với các vị tiện sĩ hay thạc sĩ VN hiện nay chớ ?


Họ tên: Nguyễn Hải Dũng Email: dungnh1167@gmail.com
Tôi cũng xin có một ý kiến. Việc sử dụng đơn vị tính: khối lượng hay trọng lượng là cần xác định chính xác trong từng trường hợp. Tôi nhớ khi học phổ thông, thày đã dạy khối lượng là không đổi theo vĩ độ của trái đất, còn trọng lượng thì thay đổi, nó bằng khối lượng nhân với gia tốc rơi tự do (G). Tôi cũng đã đọc trên Tạp chí Kiểm sát (phát hành từ nhiều năm trước) một bài viết kỹ về hai khái niệm này, nhưng hiện nay trong Bộ luật Hình sự của chúng ta vẫn đang sử dụng sai khái niệm. Trong chương quy định tội phạm về ma túy, nhà làm luật dùng khái niệm "trọng lượng" là không chính xác, ví dụ: "Heroin hoặc cocain có trọng lượng từ năm gam đến dưới ba mươi gam". Thứ nhất; đơn vị tính của trọng lượng là Niu-tơn chứ không phải gam hay ki-lo-gam, thứ hai: trọng lượng một vật ở Hà Nội sẽ khác ở TP Hồ Chí Minh vì gia tốc rơi tự do ở 2 điểm đó khác nhau, do đó có khởi tố được hay không cũng khác nhau, tạo nên sự khác nhau về áp dụng pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam. Khái niệm chính xác phải dùng là "khối lượng", tương tự như trên vỏ bao xi-măng hiện nay đang dùng mới đúng. Ví dụ: "Heroin hoặc cocain có khối lượng từ năm gam đến dưới ba mươi gam".


Họ tên: saigonnho Email: hello@yahoo.com
Tôi cùng đồng ý như vậy , Việt nam dùng từ loạn xạ , tại sao phải dùng : người dẫn chuyện , xướng ngôn , giọng đọc thì thay là MC (hay còn gọi là em-xi (MC) do gọi tắt từ tiếng Anh: Master of Ceremonies, theo nghĩa thông thường được hiểu là người hướng dẫn quần chúng trong một sự kiện. Còn hiểu theo đúng nghĩa của từ MC thì nó phải là :"Bậc thầy của nghệ thuật giao tiếp" Ngày nay, dẫn chương trình được xem là một nghiệp vụ thuộc về lĩnh vực nghệ thuật, vì thế người làm nghiệp vụ này cũng được xem là một nghệ sĩ ) thì rất nguy hiểm . Nhìn vào các cô gái đọc dự báo thời tiết mà phát ngán . Chúng ta cần phải hiểu rỏ : Tiếng nói học đường - tiếng nói sân khấu - tiếng nói phát thanh - tiếng nói truyền hình ..mỗi 1 lĩnh vực có 1 tiếng nói riêng . Cố tình hiểu sai để minh chứng mình học nhiều biết rộng . Nhất là cô Quỳnh Hương : Xin trân trọng hân hanh được giới thiệu cùng các vị khách quý ... thì là sai .Hoặc là : xin dành những lời cảm ơn sâu sắc , trân trọng của quý vị đã dành tặng riêng cho tôi .... Ôi Tiếng Việt, phải uốn lưỡi 7 lần trước khi nói là như vậy . Như thế có 24 chữ cái , rồi bày vẽ thành 29 , sắp tới sẽ có thêm 4 chữ cái nữa cho kịp Âu Hóa ( giống như em chả của Vũ Trọng Phụng ) , ngớ ngẫn , lời vàng ngọc thì không nên nói 2 lần

Nội dung trang WEB liên hệ GS TS Nguyễn Đức Dân , Điện thoại 0919420274
Kỹ thuật -trình bày liên hệ 0989091203 , email truongsonh7@yahoo.com