Tiếng Việt theo dòng thời gian[i]

 

                                                                                       Nguyễn Đức Dân

về trang chủ

 

1.   Có những nhà văn, nhà báo Việt Nam đầu tiên  đặc biệt coi trọng vai trò của tiếng Việt. Nguyễn Văn Vĩnh từng nói Nước Nam ta mai sau này,  hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ”. Suốt đời ông mong sao  chữ quốc ngữ có một tương tai rực rỡ. Phạm Quỳnh cũng có một câu bất hủ: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta còn.

Chúng ta đề cập tới dòng chảy tiếng Việt từ khi dùng chữ quốc ngữ viết báo. Mở đầu bằng Gia Định báo (GĐB,1865) ở Nam Bộ và Đông Dương tạp chí (ĐDTC, 1913) ,  Nam Phong tạp chí  (1917) ở  Bắc Bộ.

Tiếng nói một dân tộc luôn luôn thay đổi ở cả 3 mặt ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp, nhanh chậm, nhiều ít khác nhau tùy lúc tùy nơi. Thay đổi về ngữ âm rất chậm, hầu như không thấy. Thay đổi ngữ pháp diễn ra nhanh hơn nhưng vẫn rất chậm và ít. Nhưng biến đổi từ vựng thì nhanh hơn    thường xuyên hơn. 

2. Chữ quốc ngữ

    Chữ quốc ngữ là một hệ chữ La Tinh viết theo cách ghi âm. Rất đơn giản và dễ  học.  Truyền bá được chữ quốc ngữ  là người Việt có cơ hội tiếp xúc  những nền văn minh Tây phương  rất quan trọng dùng chữ La Tinh.  Ngay năm đầu tiên của Đông Dương tạp chí,  năm 1913, Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch đăng bài thơ ngụ ngôn của  Lafontaine "Con Kiến và con Ve sầu" và nhanh chóng được đông đảo bạn đọc yêu thích.

GS Hoàng Xuân Hãn đặt ra danh từ khoa học,  nhờ đó tiếng Việt  dùng được để dạy ở trung học và đặc biệt là ở đại học. Trước đó  GĐB  gặp nhiều khó khăn khi diễn đạt các thuật ngữ khoa học: “Mạch nước nóng, nước ngũ kim”, “nước thán khí” chứ chưa gọi là  nước khoáng,  nước có gas. Thực tế cho thấy tiếng Việt có thể diễn giải chính xác  bất kỳ khái niệm nào.  Mọi ngôn ngữ đều có những hiện tượng mơ hồ, nhập nhằng. Trong  dịch máy  hiện nay, làm  mất mơ hồ, vẫn là bài toán khó khăn nhất.

Chữ viết là quy ước nên chuẩn mực chính tả cũng là quy ước. Chính tả do con người đặt ra.  Như mọi hệ thống chữ viết khác, không tránh khỏi một số bất hợp lý trong chữ quốc ngữ. Cho nên, đôi lúc đó đây lại có những đề nghị “cải tiến” chữ quốc ngữ và chính tả.

          Về chính tả, khi viết tên riêng nước ngoài thì phiên âm hay giữ nguyên dạng. Khuynh hướng để nguyên dạng  có ngay từ GĐB,  ngày càng được nhiều người dùng. Từng có người dùng chữ z thay cho d~ và gi~; f  thay cho ph~…Từng có thời, có báo dùng  gạch nối ở từ ghép. Sau thấy tốn giấy, tốn công sắp chữ nên bỏ. Cũng có báo thử  viết liền. Viết liền lại tạo ra những mơ hồ tiềm năng. Phụ âm cuối của tiếng này có thể thành phụ âm đầu của tiếng liền sau. Biết hiểu quỳnhanh quỳnh anh  hay quỳ nhanh, còn cưngơi  cư ngơi hay cưng ơi?

Chữ quốc ngữ uyển chuyển. Từ nhu cầu thực tiễn chúng ta đã thêm các ký tự  F, J, W, Z  vào bộ chữ cái để viết các từ ngoại lai và không gặp trở ngại gì. Có điều không cần những văn bản “pháp quy” đưa 4 ký tự trên vào bảng chữ cái chữ quốc ngữ.

Không ai lường trước các khả năng có thể, nên luôn luôn  xảy ra những ngoại lệ chính tả vượt  khỏi cái lô gích thông thường. Chẳng có lô gích nào giải thích được cách dùng các phụ âm đầu r~/d~/gi~ khi viết con dâu  nhưng lại viết con rể, trong khi viết  bờ giậu thì lại viết bờ rào. Vậy chính tả là võ đoán. Có điều một khi đưa ra những quy tắc không hợp lý thì người ta sẽ “vượt rào”. Quy định (QĐ) chính tả cho âm vị có hai cách viết i/y rơi vào trường hợp này. Ngày 30.11.1980  Bộ Giáo Dục ra QĐ: “…trường hợp các âm tiết có nguyên âm i  ở cuối thì viết thống nhất bằng i , trừ uy…”  

     QĐ trên không chú ý tới một quy tắc bất thành văn về tính thẩm mỹ  trong chữ quốc ngữ: hình chữ phải đẹp,  trong đó có sự   cân đối về độ cao giữa các con chữ khi viết.

Cân đối nghĩa là ghép  những phụ âm cùng độ cao với /i/ thì có khuynh hướng dùng  i:  Ví dụ:  viết  vi phạm, vì vậy, vị trí,  si mê,  mị dân … mà không viết vy phạm, vỳ vậy, vỵ trí, sy mê; mỵ dân. 

Cân đối còn được hiểu là trong một từ nếu  một ký tự có phần nhô cao lên thì ta viết y  nhằm tạo ra sự hài hòa trên dưới.  Viết thì phần trên và phần dưới chữ này cân đối với nhau, còn viết   thì phần dưới chữ này hơi bị hụt. Trong GĐB và  Nông Cổ Mín Đàm (NCMĐ) đều viết như vậy: chánh lý, có lý lắm, ký tên, thơ ký, trong kỳ 15 ngày, xem kỹ

     Kích thước con chữ cũng là một lý do thẩm mỹ: Chữ i có kích thước ngắn hơn chữ y,  tạo ra  ấn tượng là một đối tượng nhỏ.  Vậy nên có khuynh hướng dùng i ngắn cho những đối tượng tạo ra  ý niệm  nhỏ: li ti, tỉ mỉ, vi tính, chi li, chi tiết, chơi bi, sân si, lí nhí … Hình như không ai viết chơi by, tỷ mỷ; chy ly, chy tiết, vy tính…

 Có những thói quen ngôn ngữ không tìm được lí lẽ của nó. Mĩ là đẹp (mĩ mãn), nhưng  mọi người quen  viết  nước Mỹ, châu Mỹ.   Những biến thể chính tả như vậy gặp rất nhiều.

3.   Tiếng Việt trên báo chí thời xưa

          Báo chí xuất hiện ở Nam Bộ sớm hơn ở Bắc Bộ. Có những ngộ nhận về ngôn ngữ báo chí Nam Bộ.

Vũ Ngọc Phan, đã bình luận về NCMĐ và Đại Việt Tân Báo như sau: “là những báo chí không có tính cách văn học, chỉ đăng rặt những tin vặt, những thông cáo  của    chính phủ , những bài diễn văn của người đương thời…” (Nhà văn hiện đại, quyển nhất, nxb Vĩnh Thịnh, Hà Nội, 1951). Những tài liệu nghiên cứu  văn học sử và báo chí sau đó đã  theo  ý kiến này mà cho rằng Đông Dương tạp chí  , Nam phong tạp chí mới là  hai  tờ báo đầu tiên góp phần  xây dựng nền văn học hiện đại. Nói  vậy là bỏ qua những đóng góp của báo chí Nam Bộ trong việc hình thành một thứ phong cách ngôn ngữ văn xuôi giản dị gần với khẩu ngữ của những Lê Hoằng Mưu, Trương Duy Toản, Tân Dân Tử, Nguyễn Trọng Quản, Hồ Biểu Chánh,…nhất là của Trương Vĩnh Ký.

Huỳnh Văn Tòng  cũng viết : “Trước Đông Dương tạp chí có những tờ báo khác như Gia Định Báo , Lục Tỉnh Tân Văn …  Nhưng những tờ báo này thực ra chỉ có tính chất thông tin , văn chương còn luộm thuộm  và hết sức đơn sơ.” (HVT, 2000,123).

Trong khi ở Bắc Bộ Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương ngôn ngữ báo chí là thứ ngôn ngữ gọt giũa, văn chương  thì Trương Vĩnh Ký, ngay từ 1869 đã khuyến khích và huấn luyện “các thầy thông ngôn, ký lục, giáo tập” làm thông tín viên báo chí,  cung cấp bài vở cho phần  Tạp vụ” của tờ GĐB dùng một thứ “tiếng Việt trơn tru như lời nói”, thứ ngôn ngữ phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc.

Đối tượng của GĐB là người Nam Bộ và là những người bình dân  thì ngôn ngữ cũng phải là phương ngữ Nam Bộ. Có vậy độc giả Nam Bộ mới tiếp nhận được. Viết trơn tru như lời nói theo phương ngữ Nam Bộ  thực sự trở thành  phong cách ngôn ngữ của GĐB. Có điều, phương tiện giao thông chuyên chở báo lúc đó chỉ là những “xe tờ” ngựa kéo. Mãi năm 1922 mới có xe hơi đi từ  Sài Gòn đến lục tỉnh. Bởi vậy, lúc mới ra đời, ảnh hưởng của GĐB nói riêng và báo chí Nam Bộ nói chung chưa vượt ra khỏi vùng đất Nam Bộ. Điều này cũng giải thích vì sao vai trò của ĐDTC và NPTC  được nhấn mạnh hơn.

Nếu như Nguyễn Văn Vĩnh là người có biệt tài về  dịch tiểu thuyết, ông  chịu khó tìm trong kho thành ngữ, tục ngữ của ta những câu diễn đạt ý tưởng mới của Âu Tây khiến  văn dịch của ông tưởng như những nguyên tác  tiếng Việt, thì ngôn ngữ trong GĐB cũng trơn tru như lời nói rất gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày kể cả ở văn dịch. Số báo ngày đầu  tháng chạp năm Tân Tỵ cách nay 130 năm, tức 20.01.1882, có  một chuyện hài hước Tên Arabe đói, như sau:

          “Có một tên Arabe kia, lạc bậy ở giữa đồng cát đói khát đà hai ngày rồi, biết mình chẳng kíp thì chầy không khỏi chết. Lúc đi qua gần một cái giếng, chợt thấy trên cát một cái bị nhỏ bằng da, nó vội vã lượm lấy cái bị ấy, tưởng là bị chà là. Lòng mầng lật đật mở ra. Mắt vừa ngó thấy đồ trong ấy thì vùng la khan lên rằng : “Thảm thay! Tinh những là ngọc mà thôi!”

  bài trên, thay  vài từ ngữ của phương ngữ Nam Bộ và sửa  những lỗi chính tả về  dấu hỏi, ngã…  chúng ta sẽ có một  bài báo theo ngôn ngữ toàn dân hiện nay:

             “Có một người  Arabe lạc ở giữa đồng cát, đói khát đã hai ngày rồi, biết mình chẳng chóng thì chầy không (tránh) khỏi chết. Lúc đi qua gần một cái giếng, chợt thấy trên cát một cái bị nhỏ bằng da,  người đó vội vã lượm  cái bị ấy lên, tưởng là bị chà là. Lòng mừng lật đật mở ra. Mắt vừa nhìn thấy đồ trong ấy thì vùng kêu lên rằng: “Thảm thay! Toàn là những  ngọc mà thôi!”

          Văn dịch từ 130 năm trước của GĐB là thế đấy,  như  là ngôn ngữ  hiện nay!

Một điều trùng hợp đáng chú ý là chính chủ tịch Hồ Chí Minh khi bàn về cách viết  báo cũng từng nhiều lần nhấn mạnh rằng cần “viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc.” ( Hồ Chí Minh về vấn đề báo chí, tr. 191).

4. Dấu ấn  báo chí Nam Bộ

               Nhiều hiện tượng của phương ngữ Nam Bộ đã trở thành ngôn ngữ toàn dân, thậm chí đã đi vào tác phẩm văn học. Trong truyện Mẹ và con, nhà văn Hà Nội  Ma Văn Kháng cho một người  Hà Nội sau 1975 nói: ‘Chị mà dận săm-pô, quần loe, đánh phấn, tô mắt vào nữa thì… hết sảy!’ . “Hãy … rồi gọi điện thoại lên trung tâm xe buýt mắng vốn” “Bao nhiêu tiền làm ra đốt vào những xị đế.” (TT, 26/8/08). Những từ đặc Nam Bộ hết sảy, mắng vốn, xị đế đã trở thành những  từ toàn dân.

Về từ ngữ, đáng chú ý  nhất là GĐB dùng rất ít từ Hán –Việt. Có vậy giới bình dân Nam Bộ còn chưa thông thạo chữ quốc ngữ mới dễ đọc, dễ hiểu.

Về ngữ pháp và phong cách,  những câu viết trên báo cứ như là những lời kể chuyện thật tự nhiên. Không thấy những câu bị động.  Lúc đó văn viết (bút ngữ) trên báo rất gần với lời nói (khẩu ngữ).  Sự việc xảy ra thế nào  cứ  tuần tự  hiện ra trong ngôn ngữ như thế khiến câu tiếng Việt nhiều động từ, ít danh từ . Và  ít giới từ hơn hẳn so với các bản tiếng Pháp tương tự.

          Người  Nam Bộ trước đây rất sáng tạo khi nhập từ nước ngoài vào tiếng Việt.   Trong khi người  Bắc Bộ vay mượn chủ yếu theo  cách phiên âm thì người Nam Bộ thời xưa trong nhiều trường hợp đã nhận thức bản chất của sự kiện để sáng tạo ra những từ ngữ mới. Khi chiếc  xe đạp đưa vào Việt Nam, tất cả các bộ phận đều chưa có  từ để gọi, ấy thế là người miền Bắc phải mượn các từ tiếng Pháp frein,  enveloppe, chambre à air, garde-boue,… rồi phiên âm ra  tiếng Việt: phanh, lốp, săm, gác-đờ-bu (mãi sau mới chuyển thành cái chắn bùn)Nhưng người  Nam Bộ không thế, đã dùng những từ có sẵn đặt tên cho chúng: thắng, vỏ, ruột, vè…

Báo chí Nam Bộ thời nay dẫn đầu khuynh hướng “Anh hóa” các từ vay mượn, kể cả nhiều từ vay mượn đã được phiên âm, như  album, solo,  show,  live show, stop, dancing…Trước đây  chúng ta đã từng phiên âm chúng: “-Anh ngồi đây, xem quyển an-bom này mà chờ tôi” (VTP, Số đỏ); “Vẫn múa, em tham gia hầu hết các điệu múa và nhiều tiết mục em chọn sôlô hoặc đuy-ô từng đoạn” (NDCN, 04/10/1990), “Bỗng Maika la lên: -Xì-tốp! Dừng, mình lại xem trên cây cầu này có chuyện gì mà con người bu đông như con kiến” (TT Cười, 6/1991) và

“Cái hồ ấy, khi đã thành đất phẳng,/Tôi sẽ xin dựng một trường “Cao đẳng đăng-xinh”. (Tú Mỡ, Giòng nước ngược)

Thậm chí  “Anh hóa” cả các từ vay mượn đã được Việt hóa: rất nhiều cửa hàng  ghi sale, on sale, sale off  chứ không ghi bán xôn, bán xon (PNNB, vay mượn từ tiếng Pháp solde).  Có báo  dùng “bị  shock” chứ không nói “(bị/gây) sốc” (mượn từ tiếng Pháp choc).

         5.          Tiếng Việt đang dài ra

Anh dân quân đánh vần chưa thạo chữ quốc ngữ  trong  Đôi mắt  của Nam Cao  đã nói thuộc lòng một bài 3 giai đoạn kháng chiến phòng ngự, cầm cự, tổng phản công … ‘dài đến năm trang giấy’. Những người này cứ nói ra ‘là thấy đề nghị, yêu cầu, phê bình, cảnh cáo, thực dân, phát xít, phản động, xã hội  chủ nghĩa, dân chủ với cả tân dân chủ nữa…’ (trích  Đôi mắt, 1948).  Cách nay gần 65 năm đã xuất hiện trên cửa miệng người  dân bình thường  những khái niệm cao xa  mấy ai hiểu hết ý nghĩa này. Thời đó người dân tin theo Đảng nên đã nói đúng theo đường lối, theo chỉ thị, nghị quyết. Sáu bảy thập kỷ là khoảng  thời gian tạo ra  hai thế hệ, đủ dài để hình thành những thói quen ngôn từ  nói năng đúng  giáo điều mà không cần hiểu thấu đáo. Điều này dẫn tới hệ lụy là xã hội  hình thành  thói quen chấp nhận,  tư duy thụ động, không muốn lật lại nghĩa lý của từ ngữ, câu chữ,  khái niệm và lập luận  khi tiếp nhận  văn bản.  Vả lại, nếu ai đó có suy nghĩ độc lập, muốn phản biện, muốn bình luận  sẽ tạo ra những lời nghịch nhĩ và trở thành “người có vấn đề”.  Kết quả là người ta  lo nói năng  an toàn,  cầm giấy  phát biểu  theo những giáo điều, dần dần hình thành thói quen  kết luận mà không chú ý tới lý lẽ thuyết phục.  Nhiều người nghèo đi về ngôn từ và tư duy, nhưng  vẫn cần thể hiện mình. Vậy là   sinh ra  lối nói sang trọng  với nhiều từ Hán-Việt nhưng lại không hiểu thấu đáo    những câu hùng hồn dài dòng rỗng nghĩa,  dư thừa. Một thói quen quan cách  nói những câu nghe rổn rảng nhưng dông dài chữ nghĩa, còn  nội dung rỗng tuếch, sẵn sàng lặp lại những điều đã biết,  đã từng nói.

Biến tướng của lối nói dư thừa là lối nói “chuẩn” nhưng không có trích dẫn, một tối kỵ với những người làm  khoa học. Trải qua nhiều cuộc học tập nghị quyết, rèn luyện lập trường quan điểm, nâng cao ý thức chính trị nên đã hình thành thói quen tư duy thụ động  và “nghệ thuật” nói năng  an toàn:  quan trọng nhất là phát biểu theo đúng quan điểm, đường lối mà không cần trích dẫn trực tiếp xuất xứ, hình thành thói quen phi khoa học là coi nhẹ việc nói có sách mách có chứng.    

 

6.   Những bất biến: triết lý trong tiếng Việt  

Tiếng Việt thể hiện triết lý và cái hồn người Việt, qua lời nói thường ngày và qua kho tàng tục ngữ (TN) thành ngữ (ThN). Có những cách nói năng hiếm thấy ở những thứ tiếng khác và mới nghe thấy lạ, tưởng như mâu thuẫn, thiếu lô gích.

Có những dân tộc nào dùng từ nước  để chỉ lãnh thổ như  người Việt?  Nước Việt Nam  gắn với huyền sử Việt,  số con của bà Âu Cơ nửa lên núi,  nửa  xuống biển nên non nước, đất nước cũng là nước, quốc gia.

Có những dân tộc nào dùng bụng và những bộ phận  của cái bụng  lòng, dạ, gan, ruột,…làm   biểu tượng cho phạm trù tinh thần,  biểu hiện tư duy, tâm lí, tình cảm, ý chí, sức chịu đựng?  Nghĩ bụng, ghi lòng tạc dạ, gan cóc tia, phổi bò, ruột để ngoài da…

Chúng ta dễ dàng giải thích được những cách nói tưởng như mâu thuẫn: Thành ngữ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” phản ánh  triết lý người Việt lấy hai cực trỏ tổng thể. Toàn bộ câu chuyện được gói trong “đầu đuôi câu chuyện”. Nói “bán anh em xa, mua láng giềng gần” để nhấn mạnh phạm trù khoảng cách quan trọng hơn phạm trù họ hàng,  còn  “một giọt máu đào hơn ao nước lã” lại là phạm trù họ hàng quan trọng hơn phạm trù số lượng.

Chất vấn để bác bỏ thể hiện cách tư duy độc đáo  của người Việt. Có vậy chúng ta mới giải thích được vì sao “ớt nào chẳng cay?” là “ớt nào cũng cay”, “tôi nói điều đó bao giờ?” là “tôi chưa bao giờ  nói điều đó”, “sao không nói điều đó” là “lẽ ra nên nói điều đó”.

Có hàng loạt ẩn dụ, hoán dụ trong tiếng Việt cũng không thấy ở nhiều thứ tiếng khác.

Nhiều cách  nói có vẻ mâu thuẫn nhau chỉ là mâu thuẫn  hình thức. Về bản chất, chúng phản ánh những qui luật nào đó của tiếng Việt liên quan đến triết lý người Việt.

*

*        *

Thư gửi Ban biên tập Tia Sáng

                                                            Thph HCM, ngày 08.3.2012

Kính gửi Ban biên tập tạp chí Tia sáng

Trước hết, xin cảm ơn Ban biên tập đã dùng bài của tôi.

Sau đây tôi có vài lời về cách biên tập lại tiêu đề bài viết của tôi. Bài tôi gửi có tiêu đề “Tiếng  Việt theo dòng thời gian”. Tít này được Tia Sáng sửa lại là: "Nhìn lại một chặng đường phát triển chữ Quốc ngữ".

Sửa như vậy mắc hai lỗi cơ bản:

1)     Bài tôi viết về tiếng  Việt chứ không phải về chữ quốc ngữ. Không thể lẫn lộn hai khái niệm khác nhau này.

2)     Tít mà báo đặt, lặp  theo khuôn sáo đã mòn nghĩa của một báo cáo  tổng kết biểu dương thành tích:  Nhìn lại (một) chặng đường [X  năm] phát triển [của phong trào /của ngành /của xí nghiệp …Y].  Bài tôi viết mang đặc điểm của một tùy bút ngôn ngữ học với 3 điểm nhấn về thời gian: a) 130 năm trước, Trương Vĩnh Ký đã có công xây dựng một thứ ngôn ngữ báo chí rất đơn giản. b) Thời gian sẽ đào thải những quyết định trái quy  luật (về quy  luật chính tả i/y ). c)  Dùng luôn ví dụ từ Đôi mắt của Nam Cao như là một ẩn dụ: Thời gian đã làm nhiều người Việt tư duy, nói năng theo đúng giáo điều (để tồn tại?) nhưng lại dông dài, vô nghĩa và nhất là  mất cái nhìn  phản biện. Chính vì vậy tôi mới đặt tít:  Tiếng  Việt theo dòng thời gian

 

Tôi có đôi lời như vậy và mong Ban biên tập quý báo rút kinh nghiệm.

 

                                                                        GS TS Nguyễn Đức Dân  

 

 



[i] ) Bài này đã đăng trên tạp chí Tia Sáng, ngày 05.3. 2012, với tít được sửa lại là: Nhìn lại một chặng đường phát triển chữ Quốc ngữ. Tôi thấy cần có đôi lời về tít này, nên ngày 08.3 đã viết một thư tới Tòa soạn Tia Sáng. Thư kèm vào cuối bài này. NĐD