Bài viết gửi tạp chí Ngôn ngữ, ngày  21.4.2015, ghi chép bổ sung 35,

Hàm ý thang độ

                                                                   GS TS Nguyễn Đức Dân

về trang chủ

Trong ngôn ngữ, những từ ngữ biểu hiện thang độ số lượng tạo ra những hàm ý quy ước đặc biệt. Cách dùng của chúng trong giao tiếp lại tạo ra những hàm ý hội thoại rất đáng chú ý.

1.      Hàm ý quy ước và hàm ý hội thoại 

Sau công trình ghi dấu ấn lịch sử trong ngữ dụng học của nhà triết học ngôn ngữ người Anh P. Grice [15], khi bàn về nghĩa, nhiều nhà ngôn ngữ học Việt Nam đã đề cập tới hàm ý quy ước, như Đỗ Hữu Châu [1], Nguyễn Đức Dân [4], Nguyễn Thiện Giáp [6], Nguyễn Văn Hiệp [7]...

Trước hết chúng ta giới thiệu sơ bộ khái niệm hàm ý quy ước và hàm ý hội thoại  hiểu  theo nghĩa của Grice dùng trong bài này. Trong [15], Grice đưa ra một phân biệt tổng quát giữa nói những gì nghĩa là gì (what is said và what is meant), tức là nói những gì  những gì được nói, cũng tức là những gì được hiểu  hay hàm ý của người phát ngôn.

Ông viết: “trong một số trường hợp nghĩa quy ước của từ được dùng để xác định những gì hàm ẩn qua việc nói những gì. Nếu tôi nói (một cách tự hào) He is an Englishman; he is, therefore, brave (anh ta là người Anh, vì vậy anh ta dũng cảm) hẳn chính tôi đã khẳng định với chính mình qua ý nghĩa trong từ tôi dùng, là sự dũng cảm của anh ta là hệ quả của điều anh ta là một người Anh. (Grice [15: 44]).

(1a) Anh ta là người Anh, vì vậy anh ta dũng cảm (He is an Englishman; he is, therefore, brave.)

            (1b) Sự anh ta là người Anh suy ra anh ta dũng cảm (His being an Englishman implies that he is brave.)

Người nói dùng (1a) để hàm ý (1b), hay gọn hơn “người Anh thì dũng cảm”. Có hàm ý ấy nhưng lại không nói rõ ra sự là người Anh của anh ta hàm ý rằng anh ta dũng cảm. Nhưng không thể dùng câu (1a) mà không hàm ý (1b). Từ “vì vậy”, “vậy thì” (therefore) khiến câu (1a) có hàm ý (1b). Đó là hàm ý “quy ước”.

Nghĩa của “therefore”, “vì vậy”, “vậy thì” không thuộc phương diện ngữ nghĩa mà là phương diện ngữ dụng. Bởi lẽ, trong câu “p therefore q”, “p vậy thì q” có một liên kết nhân quả giữa p và q. Có điều liên kết này không đóng góp cho điều kiện chân lý của câu. bởi lẽ nếu câu đó mà đúng, sẽ suy ra các câu  p&q cũng đúng, p cũng đúng và q cũng đúng. Bởi vậy, therefore ( vậy, vậy nên) không đóng góp gì về điều kiện chân lý mà chỉ đóng góp về điều kiện-không-chân lý. Nói theo thuật ngữ hiện hành, sự đóng góp ý nghĩa của “therefore”, “vì vậy”, “vậy thì” không phải là ngữ nghĩa mà là ngữ dụng. Ngữ nghĩa học được giới hạn trong phạm vi của điều kiện chân lý.

Hàm ý hội thoại. Lô gích hội thoại của Grice dựa trên ý tưởng là những người tham gia hội thoại là những tất nhiên duy lý, có nghĩa là họ tuân theo một nguyên lý chung duy lý là nguyên lý cộng tác (CP). Nó được phát biểu như sau: “Hãy đóng góp phần thông tin của mình như đòi hỏi mà mình đã chấp nhận tham gia, tại thời điểm cuộc thoại diễn ra (Grice [15: 45]). Để thực hiện nguyên lý cộng tác, người nói phải chấp nhận 9 phương châm hội thoại, được nhóm lại trong 4 phạm trù của Kant: số lượng, chất lượng, quan hệ và cách thức, như sau (Grice [15: 45-46]):

PC lượng: 1. Hãy cung cấp đủ thông tin như đòi hỏi. 2. Không cung cấp lượng thông tin nhiều hơn đòi hỏi.

PC chất:  Hãy cung cấp thông tin đúng.          1. Không nói những gì mà mình tin là sai. 2. Không nói những gì không có bằng chứng.

PC quan hệ (hay PC thích hợp): Nói vào vấn đề. 

PC cách thức: Diễn đạt rõ ràng. 1. Tránh nói tối nghĩa; 2. Tránh nói mơ hồ; 3. Nói ngắn gọn; 4. Nói có trình tự. 

Xem xét đoạn hội thoại sau (1):

A (người con trai): Tối nay đi chơi nhé!

B (người con gái): Ngày mai em phải thi rồi.

Nếu đây là cuộc trao đổi bình thường thì lời B có nghĩa là cô ấy không đi chơi được. Nhưng câu cô ấy nói không hề có điều này. Vậy là B không nói rõ là không đi chơi mà là ngầm ẩn nói điều đó. Grice đưa ra một thuật ngữ kỹ thuật:  ngụ ý (/hàm ẩn) (implicate) và hàm ý (implicature) cho những trường hợp người nói có ngụ ý khác với những điều mình nói.  Vậy B ngụ ý rằng cô ấy không đi chơi. Và “cô ấy không đi chơi” là hàm ý của B. Đây là hàm ý hội thoại.

Ngụ ý là điều mà  Searle ([24: 265–266]) gọi là hành vi ngôn ngữ gián tiếp. B đã thực hiện một hành vi ngôn ngữ  (có ý nghĩa cô ấy không đi chơi) bằng thực hiện một hành vi khác (nói rằng cô ấy phải thi) .

Bằng từ “nói” Grice không chỉ đề cập đến sự phát biểu bằng lời, mà đề cập tới hành vi tại lời mang tính tổng quát hơn. Đôi khi B có thể dùng những từ khác để diễn tả ý cô ấy phải thi rồi. Như Grice nhận thấy “nói” (“say”) được dùng ít nhiều lỏng lẻo. Thật vậy, nếu ông Ba nói rằng “hành tinh lớn nhất là một khối khí khổng lồ” thì đôi khi chúng ta xem là ông Ba nói (mặc dù không có hàm ý) Sao Mộc là một khối khí khổng lồ. Theo Grice chúng ta nên dùng từ “nói” với nghĩa hẹp hơn, nó chỉ những nghĩa quy ước trong câu được nói ra (ngoại trừ khi những đại từ thay thế được sử dụng). Vậy thì chúng ta hiểu rằng ông Ba có ngụ ý Sao Mộc là một khối khí khổng lồ khi nói rằng nó là hành tinh lớn nhất.  Sự khác biệt giữa nói và hàm ý ở chỗ xem việc ám chỉ một điều gì đó (mà bản thân người nói biết là không đúng sự thật) có là lời nói xạo hay không. Trong đoạn hội thoại (1), nếu ngày mai cô gái không bận thi, thì cô ấy đã nói dối. Nếu cô gái muốn đi chơi nhưng cô ta bận thi thật thì cô ta nói thật. Có điều nói vậy có thể làm bạn trai hiểu lầm. Để tránh hiểu lầm, người nói thường thêm hành vi điều chỉnh. Chẳng hạn:

   B: Ngày mai em phải thi rồi. Chủ nhật được không?

2.  Thang độ

-         Đầu tiên, chúng ta giới thiệu khái niệm thang độ và sự phủ định liên quan đến thang độ. Từ năm 1983, chúng tôi đã viết “Trong ngôn ngữ có những từ đối lập nhau về nghĩa, giữa hai từ đó có một loạt từ mà nghĩa nằm trong phạm vi nghĩa của hai từ đó và có thể so sánh được với nhau. Những từ như thế lập thành một thang độ. Chúng ta lấy cặp từ đứng ở hai cực của một thang độ để trỏ thang độ đó. Chẳng hạn, chúng ta có các thang độ cao–thấp, dài–ngắn, khỏe–yếu, lớn–bé, lành–rách… Trong mỗi thang độ có một từ đại diện đặc trưng cho thang độ đó. Cao là từ đại diện của thang độ cao-thấp.(x.[2]). Chúng ta gặp câu “Trước khi gặp nạn, chiếc máy bay (Trung Quốc) này tham gia một cuộc tập trận tấn công ở độ cao thấp” (TT, 11.01.2014) Tức là, chiếc máy bay tập trận ở vùng có độ cao là thấp. “Hai từ cao, thấp chia thang độ thành hai vùng, cao gọi là vùng dương (+) và thấp gọi là vùng âm. Chuyển từ vùng dương sang vùng âm sẽ qua vùng trung gian. Vùng trung gian này thường được từ vựng hóa thành trung bình, vừa, vừa phải…Có nhiều khác biệt đáng lưu ý giữa từ đại diện và từ đối lập của nó.” ([2])

Và “Sự phủ định từ đại diện sẽ đồng nhất với sự khẳng định từ không đại diện, nhưng sự phủ định từ không đại diện sẽ được một giá trị thấp hơn giá trị của từ đại diện. Gọi x là từ đại diện của thang độ (x,y) và y là từ trỏ vùng âm. Thế thì:

Không x = y

Như: không tốt = xấu, không chăm = lười, không khỏe = yếu

Không y £ x

Như: không xấu  £ tốt,  không lười £ chăm, không yếu £ khỏe” ([2]) Chúng tôi nhận xét “khi phủ định một quan hệ so sánh ngang bằng sẽ được một quan hệ so sánh kém:

A không bằng B = A kém B.  Điều trên đây giải thích được hiện tượng sau:

(2a)  Anh Ba có 4 con. 

(2b)  Số con của anh Ba là (bằng) 4.

(3)  Anh Ba không có 4 con.

Vì sao qua câu (3) chúng ta có thể đoán nhận rằng anh Ba có 3 con, có 2 con hoặc 1 con chứ không phải là có 5 con, 6 con…? Câu (2a) được khúc giải thành (2b) là một câu được diễn đạt qua quan hệ bằng. Mà theo tính chất trên đây, sự phủ định quan hệ bằng (số con = 4) sẽ trở thành một quan hệ kém hơn (số con < 4). Vì vậy, cách đoán nhận trên đây hoàn toàn tự nhiên. Tương tự, xét câu (4):

(4) Ông giáo Ba không có 100 đồng để mua sách.

Ở câu này cũng vậy, số tiền mà ông Ba có thì ít hơn 100 đồng.” ([3:270-272]).[1] Những ví dụ trên đây liên quan đến những hàm ý thang độ (scalar implicature), còn gọi là  hàm ý  định lượng (quantity implicature). Khi bàn về những tín hiệu ngôn ngữ định hướng lập luận (x.[5:222-228]) chúng tôi đã khảo sát vấn đề “thang độ hóa sự vật và thuộc tính” (§3.4.2.1.), “những công cụ ngôn ngữ sắp xếp sự vật trên thang độ” (§3.4.2.2.). Vấn đề thang độ được nghiên cứu nhiều trong vài thập kỷ qua. Người nghiên cứu rất sâu về thang độ lượng là Laurence Horn. Điều này được trình bày trong Bách khoa thư về sự phủ định của Horn [19] và các ông trình khác của ông  [18], [20]. Ở Pháp, Ducrot và Anscombre [8] cũng nghiên cứu nhiều về thang độ. Lý thuyết về thang độ định lượng còn mang tên gọi “các thang độ của Horn”. Đấy là  những  đóng góp quan trọng cho ngữ dụng học và lý thuyết hàm ý, có ảnh hưởng rất lớn tới những nghiên cứu về hàm ý quy ước. Những hàm ý thang độ có tính quy ước. Grice (15: 37ff) gọi những hàm ý hội thoại có tính quy ước là những hàm ý tổng quát.

Trong bài này chúng ta sẽ dùng lý thuyết của Grice, sau đó dùng lý thuyết của phái Grice-mới[2] giải thích hiện tượng này.

Khái quát: Một tập hợp các đối tượng thuộc cùng một phạm trù có thể so sánh với nhau sẽ lập thành một thang độ biểu hiện được trên một trục. Chẳng hạn, chúng ta có những thang độ như số tự nhiên, nhiệt độ, thời gian, trọng lượng, thể tích, tốc độ,...   

            Dãy số tự nhiên 1, 2, 3, 4, 5... lập thành một thang độ số tự nhiên. Nhiều từ ngữ lập thành những thang độ từ vị, như thang độ lượng từ <mọi, hầu hết, rất nhiều, nhiều, một số, dăm, vài>; thang độ từ tình thái: <bắt buộc, phải, nhất thiết, được, có lẽ, có thể>, hay <all, most, many, some, few>;  <necessary, possible>, <certain, probable, possible>; <actually, certainly, probably>; <must, should, may>(tiếng  Anh). Những thang độ từ vị này ít nhiều là những thang độ quy ước bởi tính thông tin của các từ vị trong đó.

Mỗi thang độ lập thành một dãy các đối sắp xếp theo thứ tự mạnh dần t1 < t2 < t3 < t4 < t5 < t6 < t7 …, hoặc yếu dần  t1 > t2 > t3 > t4 > t5 > t6 > t7 …Từ đây trở đi, nói tới thang độ chúng ta mặc nhiên coi các yếu tố được xếp theo thứ tự yếu dần.

            Trong ngôn ngữ tự nhiên, có nhiều cặp từ, chuỗi từ sắp xếp theo thang độ:

<and, or>, <và, hay/hoặc>

Vì sao nói cặp liên từ trên sắp xếp theo thang độ? Quan sát các cặp thoại:

(5) (a) X: Những ai được giải?

(b) Y: Anh Sáu hoặc Út Năm.

           (6) (a) X: (Tôi thích Mai.) Cô ấy thông minh và nhân hậu.

(b) Y: Cô ấy thông minh.

            Trong (5), lời đáp của Y là một phán đoán tuyển (dùng liên từ hoặc) khẳng định rằng chỉ một trong hai người hoặc anh Sáu hoặc Út Năm được giải. Nó có hàm ý phủ định phán đoán hội (dùng liên từ ) “Anh Sáu và Út Năm được giải”.

Trong (6), lời đáp (b) cho thấy theo quan điểm của Y, Mai chỉ có một thuộc tính thông minh, suy ra hàm ý cô ấy không nhân hậu. Nếu Y đáp rằng cô ấy nhân hậu thì lại có hàm ý cô ấy không thông minh. Lời của X là một phép hội “p và q”, “p and q” bao chứa ngữ nghĩa (giá trị chân lý) cả p lẫn q, còn lời đáp của Y chỉ sự tuyển lựa một trong hai thành phần p hay/hoặc q của phép tuyển “p hay/hoặc q”, “p or q”. Cho nên “p hay/hoặc q”, “p or q” hàm ý rằng không phải cả hai pq, tức là: “~ (p và q)”, “~ (p and q)”.

Vì thế <and, or>, <và, hay/hoặc> lập thành hai thang độ. Chúng ta nói phát ngôn  “p và q” là phát ngôn mạnh so với “p hay/hoặc q” là phát ngôn yếu. Giữa chúng có quan hệ suy ra (ký hiệu bằng Þ) và quan hệ hàm ý (ký hiệu bằng ®) như sau: 

p và qÞp hay/hoặc q

 “p hay/hoặc q” → Không phải  “p và q

Tương tự, chúng ta có những thang độ: <none, some not>, <hoàn toàn không, một vài không> (tức là: <không ai (/nào/gì), một số (/vài) không>); <outstanding, good>, <xuất  sắc, tốt>; <xuất sắc, giỏi, trung bình>, <hot, warm> , <nóng, ấm>, <cold, fresh>, <lạnh, mát>; < first, second, third, fourth, fifth >; <nhất, nhì, ba, tư, năm>. (Ví dụ: “An xếp hạng ba” có hàm ý rằng An không xếp hạng nhì, cũng chẳng xếp hạng nhất); <definite, indefinite>, <xác định, không xác định>; < lover, friend >, <người yêu, bạn>;

<mình, người thân, người ngoài/người ta> (thang độ thân sơ). Ví dụ:

 (7a) “Con gái: - Con xuống làm người ta mất vui.

 [Bà mẹ trách] - Anh con trở thành “người ta” từ bao giờ thế?” (KR)

Khẳng định yếu tố thấp “người ta” hàm ý phủ định yếu tố mạnh hơn “anh ruột” khiến lời cô gái vô tình đưa lại hàm ý “người anh trở thành người xa lạ”.

(7b) – Chị nói được tiếng Nga không?

       – Ông xã tôi nói được đấy.

Từ thang độ thân-sơ <tôi, chồng>, câu trả lời ở (7b) là sự khẳng định ở mức độ thấp hơn dẫn tới hàm ý phủ định mức độ cao hơn: Tôi không nói được tiếng Nga.

<cần thiết, nên>;  <tướng, tá, úy>; < tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân>, < giáo sư, phó giáo sư, giảng viên>; < old, middle-aged, young >, <già, trung niên (=đứng tuổi), trẻ>;

Ví dụ: Từ thang độ  <già, trẻ>, <bố, con> mà câu “Vấn đề này đến bố còn không biết nữa là con” có hàm ý “con tất nhiên không thể biết được vấn đề này” (dựa trên lý lẽ người già thì hiểu biết nhiều hơn người trẻ “đi hỏi già về nhà hỏi trẻ”) hoặc câu “Ông nhiều tuổi như vậy mặc thế nào mà chả được” có hàm ý ông mặc thế cũng được (dựa trên lý lẽ “người già được quyền vượt ra ngoài những quy định chuẩn mực tối thiểu, trong đó có  ăn mặc, mà người trẻ phải tuân theo). 

            Những hàm ý thang độ là kinh nghiệm. Có những thang độ mà chỉ ở trình độ ngôn ngữ phát triển tới một mức nào đó, ở một độ tuổi nào đó, người ta mới nhận thức được. Chẳng hạn, <xuất phát, kết thúc>; <bắt đầu, hoàn thành>. Đây là những thang độ thể hiện trạng thái liên tục. Động từ “xuất phát” có hàm ý lượng chưa kết thúc.   Xét cuộc thoại:

(8) A: - Mày làm xong chưa đấy?

     B: - Tôi chưa bắt đầu.

Câu trả lời “chưa bắt đầu” của B đã vượt ra ngoài trạng thái “bắt đầu”, tạo ra hàm ý tôi  chưa bắt đầu chứ đừng nói tới chuyện đã xong (hoàn thành)  hay chưa. Với ý nghĩa này, chúng ta cũng có chuỗi thang độ tình thái: <rồi/xong, đang, thử, định>. Nghĩa là, với một động từ trạng thái Vnào đó thì chúng ta cũng có chuỗi thang độ: < Vt rồi/ Vt xong, đang Vt, thử Vt, định Vt >.

            Nhận biết được hàm ý thang độ không phải luôn luôn do nhận thức.

            Geurts [14] cho ví dụ:

(9) Một vài bà con của tôi sống ở Bỉ. (Some of my cousins live in Belgium)

Hàm ý của câu trên có thể liên quan đến niềm tin:

(9a) Người nói không tin rằng tất cả bà con của mình sống ở Bỉ.            

(9b) Người nói tin rằng không phải tất cả bà con của mình sống ở Bỉ. 

Hàm ý của câu trên cũng có thể liên quan đến cảnh huống:

(9c) Người nói nghĩ rằng nếu nói tất cả bà con của mình sống ở Bỉ sẽ là thái quá, không đúng lúc, không thích hợp với người nghe (nên đã nói giảm đi).

            Có những từ được xếp vào nhiều thang độ ngang bậc khác nhau. Hai từ tốt, xấu có thể đứng trong những phạm trù đạo đức (<tốt, xấu>, <tốt, độc ác>), thực phẩm (<tốt, ôi>, <tốt, hư>), hình thức (<tốt, xấu>), năng lực (<tốt, kém>), chất lượng (<tốt, tồi>, <tốt, hỏng>, <tuyệt vời, tốt>)…

            Trật tự các yếu tố trên thang độ còn tùy thuộc vào cảnh huống, vào phạm trù được xem xét. Do vậy, các hàm ý thang độ thay đổi rất nhiều theo thực tế.

            Uống cà phê, thang độ được ưa thích là <nóng, lạnh> khi trời rét, và <lạnh, nóng> khi trời nóng. Trời rét cắt da cắt thịt, người ta chỉ có thể nói “Trời lạnh thế này mà được ly cà phê nóng thì thật tuyệt vời” nhưng không thể nói “*Trời lạnh thế này mà được ly cà phê đá thì thật tuyệt vời” trừ phi muốn châm biếm. Nhưng trời Sài Gòn nóng, nên người dân ở đây lại rất thích cà phê đá thể hiện một thang độ ưa thích <lạnh, nóng>. Uống rượu vang, thang độ ưa thích lại là <lạnh, ấm, nóng>. Từ câu “Thời tiết này, tôi chỉ muốn uống cà phê đen nóng” chúng ta suy ra trời đang rất lạnh.

            Về phương diện kinh nghiệm thì có thang độ <già, trẻ> nhưng về phương diện sức khỏe, sự nhanh nhẹn hay trí nhớ thì thang độ lại theo trật tự ngược lại <trẻ, già>. Thậm chí, thang độ tuổi tác được xếp đảo ngược nhau trong cùng một phạm trù, thể thao chẳng hạn. Có hai luật ngược nhau: 1) Càng lớn càng giỏi hơn. Trong bóng đá, bóng bàn, cờ vua, cầu lông,… thì các đấu thủ U16 được coi là kém hơn U19, còn U19 thì  kém hơn U23, nên những ai quá 19 tuổi thì không được chơi ở đội U19, càng không được chơi ở đội U16. Vậy có thang độ U23 > U19 > U16 > U12 > U8.  Và  2) Càng lớn càng kém hơn. Điều này xuất phát từ quy luật phát triển sinh lý con người. Thể lực và và trí óc của con người phát triển cao đến cực điểm ở một độ tuổi nào đó, sau đó là một quá trình sút giảm, đi xuống dần dần. Người ở lứa tuổi U50 thì giỏi hơn U60, còn U60 giỏi hơn U70. Trong bóng bàn, những ai chưa quá 50 thì không được chơi ở giải lão tướng U60, U70. Nghĩa là trong thể thao có thang độ U50 > U60 > U70.

            Thông thường thang độ trọng lượng có trật tự <nặng, nhẹ>. Nhưng trong thể thao, môn cử tạ chẳng hạn, trật tự này lại đảo ngược thành <nhẹ, nặng>[3]. Trọng lượng tăng lên có thể bị chuyển lên hạng cao hơn, đối mặt với những thành tích và kỷ lục cao hơn.

Cơ chế ngôn ngữ sắp xếp sự vật trên thang độ

            Trong tiếng  Việt, có những cấu trúc tạo ra sự sắp xếp các đối tượng theo thang độ. Vận dụng vào những câu cụ thể có một cấu trúc nào đó chúng ta biết được thang độ của những từ ngữ được xác lập trong câu và suy ra được những hàm ý xác định. Ví dụ:

(A)     A cũng không B được.

            Cấu trúc này sắp xếp A > B. Chẳng hạn Bố nó cũng không thổi được cơm bây giờ!” (TĐ)   Câu này đã coi là có thang độ <bố,  con> theo năng lực công việc, ở đây là nấu cơm. Tức là về khả năng nấu cơm thì bố giỏi hơn con. Suy ra nếu bố không nấu được cơm thì con cũng không nấu được cơm. Điều này khiến câu có hàm ý trong hoàn cảnh hiện thời, nó không thể thổi cơm được.

(B)      Không A thì cũng B   

Cấu trúc này hành vi khẳng định một đối tượng có thuộc tính ở mức độ A hoặc B thấp hơn một chút với hàm ý đối tượng được nhắc tới tất yếu có thuộc tính đó.   

(C)      A không kém gì B

Cấu trúc so sánh trên có nghĩa ít nhất A cũng ngang bằng với B nếu không muốn nói là hơn.

(D)      Đến/Ngay A còn x nữa là (/huống gì) B

Cấu trúc trên sắp xếp B > A. Và có hàm ý x(A) tất yếu suy ra x(B).

“Tôi còn được khen nữa là nó.” Þ Nó > tôi (về phương diện x, như được khen). Suy ra hàm ý: chắc chắn nó được khen

 (E1)   Đến/Ngay A còn không x nữa là (/ huống gì) B

(E2)  Vcòn chẳng x nói gì V2

            Hai cấu trúc trên sắp xếp A > B, V> V2. Và có hàm ý từ không x(A) tất yếu suy ra không x(B), và hàm ý từ không x(V1) tất yếu suy ra không x(V2). 

Chuông khánh còn chẳng ăn ai /Nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bụi tre.” Câu trên về phương diện giá trị đã sắp xếp thang độ chuông khánh > mảnh chĩnh. Yếu tố chuông khánh nổi trội còn không đạt, tất nhiên mảnh chĩnh là yếu tố kém hơn cũng không thể có giá trị được.

 “Toàn của đi xin cả, chứ  với số lương hưu ăn còn  chẳng đủ nói gì mua sắm.” (NK)

(F)    Chẳng những A có f(A) mà cả  B cũng f(B)

Cấu trúc trên đã sắp xếp A > B về phương diện có thuộc tính f.  Nghĩa là nếu có f(B) thì tất yếu có f(A). Vậy f(B) Þ  f(A). Từ cả gây ra hàm ý B có thuộc tính f là một điều bất ngờ. Ví dụ: “Chẳng những Bubka nhảy qua mức xà này mà cả Lend cũng nhảy qua.” Hàm ý câu này: Lend nhảy qua mức xà này là điều bất ngờ.

 (G)    Chẳng những A không có f(A) mà cả  B cũng không f(B)

Cấu trúc trên đã sắp xếp A < B về phương diện có thuộc tính f. Nghĩa là: Nghĩa là nếu không có f(B) thì tất yếu không có f(A). Vậy ~f(B) Þ  ~f(A). Từ cả gây ra hàm ý B không có thuộc tính f là một điều bất ngờ.

“Chẳng những thí sinh không giải được bài này mà cả giám thị cũng bí.” Hàm ý câu này là giám thị không giải được bài này là một điều bất ngờ.

Tiếng  Việt còn có những cấu trúc cực cấp, như:

(H)      A (mà) không x thì (còn) B nào x?

A là cực cấp cao nhất ở thuộc tính x. Ví dụ: Ông ta không tham nhũng thì còn ai tham nhũng? Câu này có hàm ý ông ta thuộc loại người tham nhũng nhất.

(I)     A  (mà) x thì (còn) B nào không x?

A là cực cấp thấp nhất ở thuộc tính x. Ví dụ: “Tác phẩm này hay thì còn tác phẩm nào không hay?”

 

3.      Quan hệ suy ra hàm ý trên thang độ

Quan sát thang độ số tự nhiên: …> ti > tj > tk >… 4> 3 > 2> 1

 Từ câu (10) “Nhà tôi có 3 chiếc xe máy”, chúng ta suy ra (10a) “Nhà tôi có 2 chiếc xe máy”, rồi (10b) “Nhà tôi có 1 chiếc xe máy”. Đây là những suy luận lô gích. Nhưng câu (10) lại có hàm ý (10c) “Nhà tôi không có 4 chiếc xe máy”, rồi (10d) “Nhà tôi không có hơn 3 chiếc xe máy”.

Từ câu (11) “Nhà tôi không có 3 chiếc xe máy”, chúng ta suy ra (11a)”Nhà tôi không có 4 chiếc xe máy”, rồi (11b) “Nhà tôi không có hơn 3 chiếc xe máy”. Nhưng vì sao câu này lại hàm ý một hàm ý khẳng định (11c)”nhà tôi có 2 chiếc xe máy”?

 Có thể giải thích những điều trên đây theo PC lượng thứ nhất của Grice: cung cấp đủ thông tin như đòi hỏi. Nhà có 3 chiếc xe máy thì không nói nhà có 4 chiếc xe máy. Vậy câu (10) hàm ý rằng nhà không có 4 chiếc xe máy. Nếu lương tháng một người là 9 triệu đồng, lấy triệu làm đơn vị lương người ta sẽ nói “lương của tôi không được 10 triệu đồng” chứ không cung cấp một thông tin quá mức “lương của tôi không được 100 triệu đồng”. Nên câu phủ định về lượng “A không x” sẽ có hàm ý khẳng định A có thuộc tính ở mức thấp hơn liền ngay sau x. 

 Quan sát thang độ lượng từ < tất cả (/mọi) – nhiều – một số >

Đây là một thang độ lượng từ điển hình. Từ câu khẳng định (12) “Ba đã đọc nhiều công trình của Chomsky”, chúng ta suy ra một cách lô gích (12a) “Ba đã đọc một số công trình của Chomsky”. Nhưng câu (12) lại hàm ý rằng (12b) “Ba chưa đọc mọi công trình của Chomsky”.  Tương tự, “Tôi có một số tiền mặt ® không phải tất cả tiền của tôi đều là tiền mặt.” Câu (12a) “Ba đã đọc một số công trình của Chomsky” được hiểu là “Ba đã đọc ít nhất vài công trình của Chomsky” lại hàm ý rằng (12c) “Ba chưa đọc nhiều công trình của Chomsky”. Từ đây, suy ra một cách lô gích (12b) “Ba chưa đọc mọi công trình của Chomsky”. Còn câu phủ định (12c) “Ba chưa đọc nhiều công trình của Chomsky” lại  hàm ý rằng (12a) “Ba đã đọc một số công trình của Chomsky”. Tức là, trên thang độ lượng từ, khẳng định rằng một vị từ nào đó đúng với một số , như “đọc một số sách” sẽ hàm ý rằng vị từ đó không đúng với những lượng từ xếp cao hơn một số. Tức là “không đọc nhiều sách” rồi suy ra “không đọc tất cả các sách”. Còn phủ định một vị từ nào đó đúng với nhiều lại hàm ý khẳng định nó đúng với một số. Cách giải thích tương tự như thang độ số tự nhiên.

Cũng vậy trên thang độ tình thái đạo nghĩa <nhất thiết, được phép, có thể>, phủ định một thuộc tính P của một từ tình thái nào đó, như “không nhất thiết tới họp” chẳng hạn, sẽ có hàm ý thuộc tính P xảy ra với từ tình thái ở mức thấp hơn, như “được phép tới  họp”, “có thể tới họp”. Với thang độ tình thái khả năng <chắc chắn, có thể> cũng vậy. “không chắc chắn đến” có hàm ý “có thể đến”, nhưng sự phủ định “không có thể đến” sẽ suy ra “chắc chắn” không đến.

Hoàn toàn tương tự với những thang độ khác: phủ định thuộc tính P của một từ x trên thang độ, sẽ có hàm ý khẳng định thuộc tính P xảy ra với từ  ở mức thấp hơn. Nói “người này chưa già” sẽ có hàm ý người này đã đứng tuổi (xét theo thang độ tuổi tác <già – trung niên – trẻ>. Nói “Ông ấy không được hưởng lương cấp tướng” sẽ có hàm ý “ông ấy được hưởng lương cấp tá”, tức là “ông ấy là sĩ quan cấp tá”…

Từ những ví dụ trên, chúng ta rút ra kết luận quy nạp về những thuộc tính khái quát đối với phép kéo theo (suy ra một cách lô gích) và hàm ý ở các thang độ lượng, tức là quan hệ suy ra và quan hệ hàm ý.

 Quan sát thang độ: …> ti > tj > tk >…  Nếu có một hàm F(t) xác định với mọi yếu tố của thang độ thì, F(ti) được gọi là một xác định mạnh so với F(tj) là một xác định yếu. Còn F(tj) lại là một xác định mạnh so với F(tk) là một xác định yếu. Giữa chúng có quan hệ kéo theo (còn gọi là suy ra, ký hiệu là Þ) như dưới đây.

Một xác định mạnh sẽ suy ra những xác định yếu hơn:

(A)  F(ti) Þ F(tj) Þ F(tk)

Phép phủ định sẽ đảo chiều quan hệ kéo theo này. Tức là phủ định một xác định yếu sẽ suy ra phủ định một xác định mạnh hơn:

(B)   ~F(tk) Þ ~F(tj) Þ ~F(ti)

Về hàm ý (®) lại có những quan hệ như dưới đây.

Một xác định yếu sẽ có hàm ý phủ định một xác định mạnh hơn:

(C)  F(tj) ® ~ F(ti)

Phủ định một xác định mạnh sẽ hàm ý khẳng định một xác định yếu hơn:

 (D) ~ F(tj) ®  F(tk)

Trong dãy số tự nhiên, 1 là cực thấp nhất nên F(1) là một khẳng định cực cấp (thấp nhất). Và sự phủ định không __một sẽ đảo hướng thang độ nên ~F(1) cũng là một phủ định cực cấp cao nhất (tuyệt đối). Tiếng  Việt biểu hiện phủ định cực cấp này bằng cặp từ không__ ­­một: Không uống lấy một giọt; Không còn lấy một đồng; Không nói lấy một lời,…

Lưu ý: Trong ngôn ngữ, có những câu tương đương ngữ nghĩa, tức là cùng một giá trị chân lý, chúng cùng phản ánh một điểm trên thang độ nhưng không tương đương về giá trị ngữ dụng. Trên thang độ <đầy, vơi> hai câu dưới đây cùng trỏ một điểm:

       (13) Chai rượu đã đầy một nửa.

   (14) Chai rượu đã vơi một nửa.

Về phương diện ngữ dụng, hai câu trên khác nhau vì hai chuỗi đã đầy, đã vơi cho biết hai quá trình khác nhau. Câu đầu nói về quá trình rượu rót vào chai, chưng cất rượu chẳng hạn. Câu sau nói về quá trình rượu rót khỏi chai, uống rượu chẳng hạn. Chúng có hai tiền giả định khác nhau:

      “A đã đầy x đơn vị” có TGĐ: trước đó A có y đơn vị, và y < x

       “A đã vơi x đơn vị” có TGĐ: trước đó A có y đơn vị, và y > x

Sự phủ định hai câu trên cũng tạo ra những câu không tương đương ngữ dụng vì chúng đảo chiều thang độ:

(15) [= ~ (13)] Không phải chai rượu đã đầy một nửa.

(16)  [= ~ (14)] Không phải chai rượu đã vơi một nửa.

Lượng rượu trong chai ở câu (15) là đầy chưa đến một nửa. Trong câu (16) lượng rượu lại còn trên một nửa.

Trong (13) và (14), thay từ đã bằng từ còn thì vẫn được những câu tương đương ngữ nghĩa:

(13a) Chai rượu còn đầy một nửa.

(14a) Chai rượu vơi còn một nửa.

Về phương diện ngữ dụng, từ còn trong hai câu trên được hiểu với nghĩa “còn lại”, cho nên chúng đều phản ánh một quá trình tiêu hao, rượu rót khỏi chai. Tuy nhiên, do hai từ đầy vơi nên sắc thái nghĩa của chúng vẫn khác nhau. Cách nói (13b) là bình thường nhưng khó chấp nhận cách nói (14b):

(13b) Yên tâm đi, chai rượu còn đầy một nửa.

(14b) ? *Yên tâm đi, chai rượu vơi còn một nửa.

Nghĩa là (13a) biểu hiện thái độ tích cực khi nhìn lượng rượu trong chai còn lại, trong khi đó người nói (14a) có thái độ ngược lại.

4.      Những thang độ lượng từ và hình vuông lô gích

              Nghiên cứu về hàm ý thang độ, Horn thấy rằng có những từ vị của ngôn ngữ tự nhiên không thấy xuất hiện ở dạng phủ định (và để lại những khoảng trống từ vựng (lexical gaps). Dùng khái niệm hình vuông lô gích sẽ trình bày một cách trực quan, sáng rõ vấn đề vì sao một số biểu thức lô gích không hiện thực hóa được thành từ vựng trong ngôn ngữ tự nhiên.

            Trong lô gích có những phán đoán khẳng định và phủ định liên quan tới các từ mọi, tất cả (all); dăm, vài, một số (some). Những phán đoán này có quan hệ suy luận với nhau và biểu hiện được trên một hình vuông lô gích (A, E, I, O) có 4 đỉnh A, E, I, O (x. hình dưới).

(17)  A (= mọi người đã đến)

A là phán đoán khẳng định tổng quát [“Mọi S là P”, “All S are P”]

(18)  I (= một số người đã đến)

I là phán đoán khẳng định bộ phận [“Một số S là P”, “Some S are P”]

(19) E (= mọi người đều chưa đến)

E là phán đoán phủ định tổng quát [“Mọi S đều không là P”, “All S are not P” = “None S are P”]

(20) O (= một số người chưa đến)

O là phán đoán phủ định bộ phận [“Một số S không là P”, “Some S are not P”]

            Quan hệ cạnh trên dưới là quan hệ thứ bậc. Từ phán đoán ở đỉnh trên sẽ suy ra phán đoán ở đỉnh dưới. Nghĩa là: A Þ I [tức là: (17) Þ (18); mọi người đã đến Þ một số người đã đến] ; E Þ O [tức là: (19)  Þ (20); mọi người đều chưa đến Þ một số người chưa đến]

            Quan hệ đường chéo là quan hệ đối lập. Phủ định của O là A, còn phủ định của E là I và ngược lại.  ~A Û O [tức là: Không phải (17) Û (20); Không phải mọi người đều đã đến Û Một số người chưa đến]; I Û ~E [tức là: (18) Û ~ (19); một số người đã đến Û không phải mọi người đều chưa đến]

 Điều thú vị là hình vuông  lô gích giải thích được liên kết các hàm ý theo thang độ.  Một số, vài, dăm (some) là những lượng từ tồn tại khẳng định dương. Chúng là những thuật ngữ yếu so với lượng từ phổ quát khẳng định dương mọi, tất cả (all) trên thang độ AI. Câu khẳng định bộ phận I có hàm ý phủ định câu khẳng định tổng quát A tương ứng, ở tiếng Anh cũng như tiếng Việt. Cặp (A,I) lập thành một thang độ lượng từ.

(21) Một số người ăn tiết canh.

Hàm ý: (21b) Không phải mọi người đều ăn tiết canh.

Về phương diện lô gích, câu (21b) đồng nghĩa với (21c), câu dạng phủ định bộ phận O:

(21c)  Có những người không ăn tiết canh.

Nhưng hàm ý (21b) không đồng nghĩa với câu phủ định tổng quát (22).

(22) Mọi người đều không ăn tiết canh.

Điều đáng lưu ý là mặc dù câu  phủ định bộ phận O, câu (21c), có hàm ý là sự phủ  định câu phủ định tổng quát E nhưng cặp (E, O) lại không lập thành một thang độ lượng từ. Lý do là ở cột O không có từ tiếng  Anh tương ứng.  Ngoài những lượng từ phổ quát dương (A: all; mọi, tất cả) hoặc lượng từ tồn tại dương (I: some; vài, dăm) và những lượng từ phổ quát âm (E: none;  không ai, không nào, không gì) lại không có lượng từ nào tạo ra nghĩa của phán đoán O, phủ định sự tồn tại (cụ thể), tức là không được từ vựng hóa thành *nall (một từ tiếng Anh giả định) để “*nall S are P” có nghĩa là “some S are not-P”. Giải thích điều này, theo Horn, vì sự phủ định bộ phận O có giá trị phức hợp: lượng từ này được tách thành cặp bất liên tục “some…not”, “một vài …không”. Ở đây, cặp <no, some…not> là những tương ứng âm của cặp <all, some>. Trong trường hợp này, nếu some…not hàm ý phủ định từ no thì nó không thể biểu đạt bằng một câu đơn, mà phải là câu phức.  Ngôn ngữ tự nhiên có xu hướng không từ vựng hóa các giá trị phức hợp bất liên tục.

         Đây là hiện tượng tiết kiệm phi đối xứng (asymmetry) trong ngôn ngữ tự nhiên.              Những khái niệm lô gích có khuynh hướng không được từ vựng hóa nếu chúng được chuyển tải bằng hàm ý.

            Phán đoán khẳng định có cấu trúc “S are P” (S là P). Cấu trúc phủ định sẽ là “__S are P”. (__S là P). [từ phủ định đặt trước S]  Horn nhận xét: Đặt từ no vào cấu trúc này sẽ được một câu phủ định tổng quát E với nghĩa “All S are not-P” như câu (22). Nghĩa là nó được từ vựng hóa thành all. Trong khi đó không có một từ tiếng Anh nào đặt vào ngữ cảnh “__S are P” lại có thể tạo ra một câu phủ định bộ phận O “some S are not-P” ÛNot all S are P” [không phải mọi S là P]. Horn giải thích: trong khi câu khẳng định bộ phận I “Some S are P” [Một số S là P] có hàm ý là một câu phủ định bộ phận O “some S are not-P” Û “Not all S are P [Không phải mọi S là P]  thì lại không có một câu tiếng  Anh nào chuyển tải được hàm ý “Mọi S là không-P”. Thế là tiết kiệm phi đối xứng.

            Tương tự, có một từ tiếng  Anh với nghĩa “not either” [/neither] nhưng không có từ nào với nghĩa “cả hai không” (“not both”). Horn gắn điều này với sự kiện câu “p hoặc q”  thì có hàm ý là “¬(p&q)” [tức là hàm ý phủ định phán đoán hội tương ứng mạnh hơn] (x. ví dụ (5)), trong khi không có câu nào tạo ra hàm ý “¬(pq) [= ~p & ~q, tức là “cả hai không”]. Những chứng cứ mà Horn đưa ra là có liên quan với nhau. Nhưng nó có thể bắt nguồn từ một nguyên nhân khác là những hàm ý lấp đầy khoảng trống từ vựng.  Bởi lẽ, câu “Một số S là P” ( “Some S are P) có hàm ý là “không phải mọi S là P”, cho nên nếu có một từ “nome” với nghĩa là “một số nhưng không phải tất cả”(“some but not all,) hóa ra câu “Nome S are P” chứa cả thông tin khẳng định “Some S are P” lẫn hàm ý “Some S are P but not all”. Người nghe không biết mình nằm ở phần khẳng định hay phần phủ định. Điều này thật đáng ngờ. Tính tiết kiệm trong ngôn ngữ khiến không có những cấu trúc dư thừa và mập mờ như vậy. 

            Điều trên đây cũng đúng cho một số phạm trù khác.

-                                                                                                                                                                                 Thời gian :

A: always; luôn luôn; I: sometimes; đôi khi; E: never; không bao giờ; O: ?*nalways

“Luôn luôn p”Û “Không phải có lúc không p”; “Đôi khi p” Û “Không phải không bao giờ p” có hàm ý “Không phải luôn luôn p” hay là “có lúc không p”. Trong tiếng Anh không có từ nalways với nghĩa như vậy.

-                                                                                                                                                                                 Hai đối tượng cụ thể:

 A: both; cả hai; I: one (of them); một trong hai; E: neither; …cũng không; O: ?*noth

“Cả hai đều p” Û “Không phải có cái không p”; “Một trong hai cái là p” Û Không phải cả hai đều là p” có hàm ý không phải không là cái này cũng không là cái kia”; Trong tiếng Anh không có từ noth với nghĩa “có cái không p”.

-                                                                                                                                                                                 Liên từ:

A: and; và; I: or; hoặc; E: nor; chẳng…chẳng…; O: ?*nand

Khi nói “Một số sinh viên hút thuốc” (=a) thường có hàm ý là “không phải mọi sinh viên đều hút thuốc” (=b) [tức là: a ® b]. Hàm ý thông thường này không phải là hàm ý quy ước theo nghĩa của Grice. Nhưng “Không phải mọi sinh viên đều hút thuốc.” (=b) không phải là một phần nghĩa của câu “Một số sinh viên hút thuốc” (=a). Do vậy, câu “Một số sinh viên hút thuốc, thực ra mọi sinh viên đều vậy” (a&~b) không hề mâu thuẫn nhưng câu: “*Không phải mọi sinh viên đều hút thuốc, thực ra mọi sinh viên đều vậy” (b&~b) lại mâu thuẫn. Để tránh lầm lẫn, chúng ta sẽ miêu tả hàm ý quy ước theo nghĩa hẹp của Grice là hàm ý ngữ nghĩa. “Có tính quy ước” luôn luôn có nghĩa rộng, một số hàm ý hội thoại cũng là quy ước. Grice [15: 37ff] gọi những hàm ý hội thoại có tính quy ước là những hàm ý tổng quát. (cũng xem Levinson [21])                    

            Lý thuyết về thang độ của Horn rất mạnh: Nó miêu tả chính xác một bộ phận từ vựng. (xem thêm  Gazdar [13: 56]; Levinson [21:134]). Thứ nữa, tính bất đối xứng giữa phép kéo theo ngữ nghĩa (nghĩa điều kiện chân lý) và hàm ý thang độ (nghĩa điều kiện-không chân lý) giải thích vì sao các đơn vị từ vựng không là mơ hồ đích thực, mà đơn giản chỉ là nghĩa hạn định bằng các nguyên lý ngữ dụng khái quát. Đây là một minh họa tốt như bình luận của Grice trong Modified Occam’s Razor (M.O.R -Lát cạo  Occam sửa đổi) ([16:118-9]): “nghĩa không được nhân lên khi không cần thiết (Senses are not to be multiplied beyond necessity).

 

5.      Levinson và hàm ý thang độ

Levinson, người theo lý thuyết của Grice, cũng đã nghiên cứu về hàm ý trên thang độ lượng. Ông đưa ra ý kiến rất có giá trị giải thích hàm ý thang độ theo PC lượng thứ nhất: người ta cung cấp thông tin đủ theo yêu cầu. Tức là nếu người nói cần đưa ra một thông tin mạnh hơn hẳn anh ta đã nói như vậy. Nhưng anh ta không đưa ra một khẳng định mạnh, vậy phải tin là khẳng định ấy là sai. [21: 135]

            Trong từng thang độ, có những quan hệ suy ra và hàm ý. Chẳng hạn: Trong những câu (23) tiếng  Anh (và những câu tiếng  Việt tương ứng) dưới đây thì  câu (a) đã có một hàm ý  lượng là câu (b). Tuy nhiên, câu (c)  suy ra câu (a):

(23) a. Some of the students smok. (một số sinh viên hút thuốc)

b. Not all the students smoke.(không phải mọi sinh viên đều hút thuốc)

c. All the students smoke. (mọi sinh viên đều hút thuốc)

(23a) hàm ý (23b) là một hàm ý lượng điển hình: một khẳng định yếu (23a) [câu khẳng định bộ phận] được dùng để hàm ý một khẳng định mạnh [câu khẳng định tuyệt đối] (23c) là sai. Nó là một hàm ý thang độ, vì những yếu tố tất cả - một số, và tương ứng là những câu chứa những yếu tố này, lập nên một thang độ lô gích.

Các lượng từ  all, most, many, some, few (tất cả, phần lớn, nhiều, một số, một ít) tạo ra một thang độ lượng với các tính chất sau: Lấy một từ x nào đó trong dãy trên thay vào câu “___ S are P” ( “___ SP”)  thì suy ra nó cũng đúng cho những từ yếu hơn đứng bên phải từ x đã chọn, nhưng không đúng với từ mạnh hơn đứng bên trái x. Vậy thì các từ trong dãy trên được sắp xếp theo một trật tự độ mạnh-yếu lô gích. Trong ngữ cảnh phủ định “It is not the case that ___ S are P,” (“không phải rằng _­­__SP”) thì các quan hệ lô gích và ngữ dụng này sẽ đảo ngược.

            Trên thang độ định lượng, một cách ngữ nghĩa các thuật ngữ mạnh kéo theo các thuật ngữ yếu còn các thuật ngữ yếu hàm ý  phủ định các thuật ngữ mạnh. Sự khái quát này được Levinson trình bày trong quy  tắc sau:

 (I) Trong một thang độ định lượng t, giả sử có hai đối sắp xếp theo trật tự <tm, tn >, ở đó tm là thuật ngữ mạnh, còn tn  là thuật ngữ yếu. Gọi P là một vị từ xảy ra trên thang độ đó, nghĩa là có P(tm), P(tn).  Thế thì có những  quan hệ sau:

     Ia. P(tm) Þ  P(tn)

     Ib.  P(tn ) ® ~P(tm)

Để chứng tỏ rằng những suy luận thang độ như vậy thực sự là những hàm ý, Levinson lập luận theo cách của Grice để suy ra công thức hàm ý Ib. Có thể tóm tắt như sau:

SP đã nói P(tn). Nếu SP ở một vị thế phát ngôn mạnh trong vùng thang độ, tức là sẽ nói  P(tm). Nhưng anh ta đã khẳng định  P(tn).  Có thể anh ta đã vi phạm PC đầu tiên về lượng. Vì tôi giả thiết rằng anh ta tuân theo nguyên lý cộng tác vậy thì anh ta không vi phạm PC lượng mà không cảnh báo, nên tôi cho rằng SP muốn chuyển tải thông điệp anh ta không ở vị thế đưa ra một phát ngôn mạnh  P(tm) trên vùng thang độ đó. Tức là ~ P(tm).

“Một cách tổng quát, tường minh hơn một chút là cách lập luận:

(i)                S nói rằng  p.

(ii)             Có một biểu thức q, nhiều thông tin hơn p (tức là q kéo theo p [cũng tức là q xếp cao hơn p trên thang độ]), được coi là có đóng góp cho mục đích giao tiếp (và ở đây có lẽ có một suy luận  ngầm ẩn tới PC Thích hợp).

(iii)           q trên đại thể là cách nói ngắn gọn tương đương với p; thế thì S sẽ không nói p mà nói q cho gọn (thể theo PC Cách thức).

(iv)            Vì nếu S biết rằng nói q là được, ấy thế mà anh ta lại nói p để vi phạm yêu cầu đóng góp thông tin như đòi hỏi, nên hẳn S muốn nói với tôi, người nhận, suy ra là S biết rằng q không phải là trường hợp (K~q), hay ít nhất anh ta cũng không biết rằng q chính là (~Kq).” (21:134–135)

[Quy ước ký hiệu: Kp =người nói biết rằng p;  K~p = người nói biết rằng không p]

6.      Phái Grice-mới: Những vấn đề đặt ra 

1)     Những phương châm hội thoại của Grice có tầm quan trọng khác nhau.

 Harnish [16: 341] lưu ý rằng trong những PC hội thoại của Grice thì PC thích hợp có vai trò trung tâm  và quan trọng nhất đối với những hàm ý hội thoại.

Trong hai cặp câu dưới đây thì câu (a) không suy ra câu (b) mà có hàm ý hội thoại là câu (b).

 (24)   a. Hoài Thanh viết Thi nhân Việt Nam

b. Hoài Thanh viết Thi nhân Việt Nam một mình.

Gọi p = x viết A, thì S = “x viết A một mình” = x viết A & ~$người khác (cùng) viết A, tức là S = p & ~q. Suy ra: phát ngôn “x viết A” yếu hơn phát ngôn “x viết A một mình”. Tương tự,

(25) a. Chiếc bút có màu xanh dương. [= p ]

        b. Chiếc bút chỉ có màu xanh dương. [= p & chiếc bút không có màu khác]

Suy ra phát ngôn (25a) yếu hơn phát ngôn (25b).

2)     Khi khái quát hóa những thang độ, Levinson [21:133] không tính tới những thang độ kiểu <khoảng 90% -100%, ít nhất 10%, một số> là những thang độ có cùng những quan hệ lô gích như những thang độ của Horn, chẳng hạn <mọi, nhiều, một số>, nhưng lại không cùng quan hệ ngữ dụng.  Trong thực tế người ta không có thói quen so sánh tỷ lệ phần trăm với nhiều hay một số. Bởi vậy dù có thể ít nhất 10% > một số, nhưng nói “một số S là P” vẫn không tạo ra hàm ý phủ định thuộc tính của thang độ đứng liền trước nó “Ít nhất 10% S là không P”.

 

3)     Trên thang độ lượng từ <all, most, many, some, few>, Horn nhận thấy các từ vị đơn (monolexemes) được dùng phổ biến và thường xuyên. Tuy nhiên có những ngoại lệ. Chẳng hạn, đó là “several” được dùng rất rộng rãi. “Several” yếu hơn “many” nhưng mạnh hơn “some”. Ấy thế nhưng “Some S are P” không hàm ý “It is not the case that several S are P.”  Liệu có thể tinh chỉnh được sự khái quát của Levinson hay “several” chỉ là một ngoại lệ? Nếu sự khái quát hóa này là sự giải thích hơn là đơn thuần miêu tả, nghĩa là nếu người ta nói cho chúng ta biết vì sao chúng ta có một số hàm ý quy ước này chứ không phải là những hàm ý khác, thì sau đó người ta có thể tinh chỉnh được. Mặc dù vậy, trong tiên thiên (A priori) không có lý do gì hơn để chờ đợi hàm ý quy ước hội thoại là có tính hệ thống hơn là sự chờ đợi quy ước từ vựng. Mọi ngôn ngữ đều có “ngoại lệ” về một phương diện nào đó. Chẳng hạn, thang độ so sánh tính từ trong tiếng  Anh là < Adj+est, Adj+er, Adj> như <tallest, taller, tall>. Nhưng lại có những ngoại lệ như <best, better, good>. Không chờ đợi một điều gì hơn ngoài sự giải thích chúng từ những chứng cứ lịch sử.

4)      W. Davis [11] cho rằng lập luận mà Levinson đưa ra không cho phép phân biệt các khẳng định mạnh người nói đưa ra có liên quan và có thể so sánh với nhau về tính ngắn gọn. Lấy một trường hợp điển hình. “Một số” trong câu “một số [sinh viên hút thuốc]” là ở điểm thấp trong những thang độ khác nhau dưới đây:

-         <Một số, vài ba, nhiều, đa số, hầu  như …đều, mọi …đều>

-         <Một số,  ít nhất 1% ,  ít nhất 10%,  ít nhất 50%, 100%>

-         <Một số N, một số N thỉnh thoảng, một số N thường xuyên, một số N ghiền V– một số  mỗi ngày, N thì V>

-         <Một số N,  một số N và N1, Một số N, N1 và N2>

Người ta nói câu “một số sinh viên hút thuốc” [$t Hút(t)] sẽ có hàm ý rằng “Không phải mọi sinh viên đều hút thuốc” [~"tHút(t)], chứ không có hàm ý là “Mọi sinh viên đều hút thuốc” ["tHút(t)]  ở dạng khẳng định mạnh. Trong vô số khẳng định có nhiều thông tin hơn, chỉ một số câu là khá ngắn gọn.

Vì “một số” ở điểm cực thấp, cho nên nếu lập luận dự đoán rằng “Một số N-V” có hàm ý “Không phải mọi N đều V” thì cũng có hàm ý “Có ít hơn 10% N-V”, và cũng có hàm ý “Không phải một số N-V- X” …và những điều khác nữa mà họ không thực sự có những hàm ý ấy. Trong vô số những khẳng định mạnh hơn “Một số N-V” thì hàm ý “Mọi N đều V” nghe bất thường nhất vì người ta thường nghĩ theo hướng phủ định nó. (W.Davis, [11: 14])

Đó là một trong những trường hợp khiến nhiều người cho rằng lý thuyết của Grice tạo ra những hàm ý “quá mức” (overgenerates). Hầu như với  mỗi hàm ý dự đoán chính xác theo lý thuyết của Grice lại có những hàm ý khác dự đoán sai. Cái lược đồ của Grice được dùng để phát hiện hàm ý thường “suy ra” những hàm ý không thực sự tồn tại nên lược đồ này không phải là một phương pháp đáng tin cậy để suy ra hàm ý. Chỉ cần áp dụng các phương pháp của Mill[4] là rõ, những sự thất bại khác nhau như vậy khiến ta hiểu rằng những hàm ý quan sát được không giải thích được từ những điều trong lý thuyết của Grice. Chẳng hạn, nghe hỏi “Có sinh viên  nào hút thuốc không?” sẽ có hai cách trả lời là “một vài” và “có”. Chúng đều thể hiện sự cộng tác và tương đương về lô gích. Nhưng câu trả lời “Một vài” tạo ra hàm ý không phải mọi sinh viên đều hút thuốc còn câu trả lời “Có” lại không có hàm ý ấy. Nó để ngỏ khả năng mọi sinh viên đều hút thuốc. Nguyên lý cộng tác không đòi hỏi phải dùng “Một vài” để trả lời. Nhưng vì sao  cách trả lời “một vài” dẫn tới có hàm ý tức là nhiều thông tin hơn?

Để minh họa thêm cho những khó khăn này, chúng ta nêu ví dụ nhấn mạnh vào những trường hợp được nghiên cứu kỹ nhất và thuận lợi nhất cho lý thuyết của Grice.

            Người ta ít dùng một phát ngôn yếu hơn là phát ngôn mạnh trừ phi có lý do cho phát ngôn yếu. Đây là nguyên lý ẩn chứa hàm ý hội thoại thường do phát ngôn tuyển "P hay Q" gây ra. Một phát ngôn tuyển chặt “Hoặc P hoặc Q” thường thì mạnh hơn phát ngôn tuyển lỏng "P hay Q”. Vậy theo nguyên lý chung, người nói chọn nó là có hàm ý rằng người đó không biết giá trị chân lý của phép tuyển: Không biết P đúng hay Q đúng.

Bằng một phán đoán khẳng định bộ phận I người nói đã hàm ý phán đoán phủ định bộ phận O tương ứng, và bằng một phán đoán phủ định bộ phận O người nói đã hàm ý phán đoán khẳng định bộ phận I.  Điều này dẫn Horn [20:11] đến kết luận trong khi những gì được nói trong hai câu I = Some men are bald (một số ông thì hói) và O = Some men are not bald (một số ông thì không hói) là khác nhau thì những điều chúng truyền đạt (hiển ngôn và hàm ý) lại đồng nhất và đều là Some men are bald and some men aren’t (Một số ông thì hói và một số ông thì không). Vậy thì cương vị (the status) của hàm ý thang độ là gì và do đâu mà có?  Một giải pháp được đề nghị mà cách tiếp cận cổ điển của những người theo phái Grice-mới xác định bằng PC lượng thứ nhất và PC cách thức thứ yếu “tránh mơ hồ” và “tránh tối nghĩa”. Nó trở thành nguyên lý – Q.

5)                                                                                                                                                                       Phân biệt hai kiểu hàm ý không biết không muốn nói. Xét cặp thoại:

(26)  (a) A: Nhà Nam ở đâu?

         (b) B: Ở đâu đó bên quận 12.

            Câu B trả lời không đầy đủ, không đáp ứng PC chất thứ nhất của Grice, nó gây ra hàm ý, nhưng là kiểu hàm ý nào dưới đây?

-         Không muốn nói: không muốn cho A biết chính xác, B đành miễn cưỡng để lộ ra một ít thông tin.

-         Không biết: Do không biết chính xác hoặc không nhớ, nhưng tôn trọng PC chất (nói đúng) nên không dám khẳng định chính xác.

Những hàm ý không biết thường là sự tuyển chọn những hàm ý theo thang độ.

(27)   (a) Mọi sinh viên có đều hút thuốc không?

            (b) Một số sinh viên hút thuốc.

Khi dùng câu (b) trả lời, người nói thể hiện sự cộng tác nhưng với điều kiện phải biết hoặc ít nhất cũng là không biết mọi sinh viên có hút thuốc hay không. Như vậy, câu (b) có hai hàm ý: Hoặc “Không phải mọi sinh viên đều hút thuốc”, hoặc “Tôi không biết liệu tất cả họ có hút thuốc hay không [nhưng tôi biết “Một số sinh viên hút thuốc”].

6)  Nguyên lý Q nguyên lý R

            Theo Sperber và Wilson [25], giải thích hiện tượng trên bằng nguyên lý thích hợp (relevance Principle)[5] thì tốt hơn là dùng những phương châm của Grice.

            Horn ([18], [19]) nhận thấy rằng người nói và người nghe quan tâm tới những phương diện thông tin khác nhau trong hội thoại, có những nguyên lý chủ yếu thích hợp với người nói và có nguyên lý chủ yếu thích hợp với người nghe nên ông đã điều chỉnh lại các PC của Grice: Giữ lại PC chất, các PC còn lại được thay bằng hai nguyên lý tổng quát cân bằng nhau:

Nguyên lý Q (Q – principle):  Nói nhiều như cần thiết (Say as much as you can)

Nguyên lý R (R – principle): Không nói nhiều hơn điều phải nói (Say no more than you must)

Nguyên lý – Q thiên về lợi ích của người nghe. Cần thiết nói đầy đủ điều mình truyền đạt. Làm thế nào để người nghe nhận thức được đầy đủ nhất điều định truyền đạt? Người nói cần nói theo cách đơn giản, dễ hiểu nhất và dùng những từ đơn nghĩa. Dùng những cách nói đồng nghĩa cốt sao truyền đạt tối đa thông tin cần nói. Vậy nó bao hàm PC số lượng thứ nhất của Grice [cung cấp đủ thông tin như đòi hỏi] và hai điểm đầu tiên về sự rõ ràng của PC cách thức (tránh diễn đạt rối rắm và tránh nói mơ hồ).  Dễ dàng minh họa nguyên lý-Q qua các hàm ý thang độ. 

Nguyên lý R lại thiên về lợi ích của người nói. Dùng một cố gắng tối thiểu để diễn đạt được điều cần nói theo nguyên lý người nói tiết kiệm năng lượng của Zipf. Vậy nó bao hàm PC lượng thứ hai [không cung cấp thông tin nhiều hơn mức đòi hỏi], PC thích hợp (hay quan hệ), và hai điều sau của PC cách thức (nói ngắn gọn và nói có trình tự). Dễ dàng minh họa nguyên lý-R bằng những ví dụ tiêu biểu về những hành vi ngôn ngữ gián tiếp. Ví dụ của Searle [24]:

 (28) Can you pass me the salt? (Bạn có thể đưa tôi ve muối?)

(29) I request that you pass me the salt. (Tôi đề nghị rằng bạn đưa tôi ve muối)

            Trong (28), người nói không nói nhiều hơn những điều cần thiết trong việc truyền đạt yêu cầu của mình: Câu hỏi (28) là cách nói kiệm lời hơn cách nói tường minh (29).

Hai nguyên lý Q và R dẫn đến hai hướng đối nghịch nhau về độ sâu thông tin trong giao tiếp mà chúng ta có thể gọi là tối đa hóa tối thiểu hóa về tính thông tin (maximizing and minimizing informativeness). Thế là nảy sinh “va chạm” giữa hai khuynh hướng này. Horn [20:14] gọi chúng là “những lực mâu thuẫn” (antinomic forces). Hai nguyên lý này được khai thác để tạo ra những hàm ý tăng cường (strengthening implicate) mà giải thích bằng các PC của Grice [15] sẽ gặp khó khăn. Ví dụ:

(30) I slept on a boat yesterday. (Hôm qua, tôi đã ngủ trên một con thuyền)

Hàm ý: Con thuyền không phải của tôi.

(31) He entered a house. (Anh ấy đi vào một ngôi nhà)

Hàm ý: Ngôi nhà không phải của anh ta (/Anh ấy không đi vào nhà mình)

 (32) I lost a book yesterday. (Hôm qua, tôi đã đánh mất quyển sách)

Hàm ý: Quyển sách là của tôi.

(33) I broke a finger.(Tôi đã cắt vào ngón tay)

Hàm ý: Tôi đã cắt vào ngón tay mình

Hàm ý (30) và (31) được tạo thành trên cơ sở-Q và hàm ý thang độ các quán từ: cùng là quán từ phiếm định nhưng cái của mình (my) thì xếp cao hơn cái của người khác trên thang độ. Khẳng định thuộc tính ở mức thấp tức là hàm ý phủ định thuộc tính ở mức cao hơn.

Hàm ý của (32) và (33) được tạo thành trên cơ sở-R (R-based implicatures).  Người nói đã dùng cách nói ngắn gọn nhất vì biết một “quan hệ điển mẫu” giữa quyển sách và một người, giữa ngôi nhà và một người.  Ở ví dụ tiếng  Việt, thậm chí không còn “quán từ” bất định “một” như “a” trong tiếng  Anh . Chỉ cần nói “Tôi đi vào nhà” là có hàm ý đó là nhà mình. Tất nhiên, hàm ý này sẽ mất đi trong những điều kiện có ngữ cảnh tăng cường. Chẳng hạn, tôi đến thăm ngôi nhà mới của người bạn. Tôi ra thăm vườn rồi “tôi đi vào nhà”. Trong tình huống rõ ràng này, đây không phải là nhà tôi mà là ngôi nhà của bạn tôi. Do vậy, với phép suy luận ngữ dụng, những hàm ý thang độ có thể bị bác bỏ.

Tuy nhiên, có câu hỏi được đặt ra: Làm sao biết được mà lựa chọn nguyên lý Q hay nguyên lý R để giải thích?  Những từ vị của thang độ thích hợp cho nguyên lý Q là gì và xác định thế nào? Người nghe làm thế nào biết được, khuếch đại được, những thông tin ít ỏi (nguyên lý R) nghe được từ người nói?

Levinson ([21:146]) cũng đưa ra nguyên lý-Q và nguyên lý- I. Nguyên lý – Q  về cơ bản cũng giống nguyên lý-Q của Horn. Còn nguyên lý-I hay là nguyên lý cung cấp thông tin, tương ứng với nguyên lý-R của Horn. Đại lược như sau:

            Phương châm của người nói là tối thiểu hóa: “Nói càng ít càng tốt” (Say as little as necessary). Hệ luận của phương châm này là gây ra hàm ý khi người nghe theo nguyên tắc làm phong phú, khuếch đại nội dung thông tin từ lời người nói (thành những hàm ý) bằng cách diễn giải thích hợp nhất.

            Levinson dẫn từ các tác giả khác nhau một loạt ví dụ minh họa sự khuếch đại thông tin. 

- Hoàn thiện điều kiện ([21: 145] dẫn Geiss and Zwicky, 1971)

(34) If you mow the lawn, I’ll give you five dollars.(Nếu anh cắt cỏ trong bồn, tôi sẽ cho 5 đôla) dẫn đến If you don’t mow the lawn, I don’t give you five dollars. (Nếu anh không cắt cỏ trong bồn, tôi sẽ không cho 5 đôla)

- Liên từ làm vững chắc hơn ([21: 146] dẫn Atlas and Levinson, 1981)

(35) John turned the key and the engine started. (John vặn chìa khóa và động cơ khởi động) dẫn đến John turned the key and then the engine started. (John vặn chìa khóa và rồi động cơ khởi động)

- Liên kết ([21: 225] dẫn Clark and Haviland, 1977)

(36) John unpacked the picnic. The beer was warm. (John mở túi du lịch. Bia còn ấm.) dẫn đến The beer was part of the picnic. (Bia là một phần mang trong cuộc dã ngoại.)

- Suy luận theo nghi thức giao tiếp ([21: 136] dẫn Atlas and Levinson, 1981)

(37) John said “Hello” to the secretary and then he smiled. (John nói với thư ký “chào cô” và anh mỉm cười) dẫn đến John said “Hello” to the female secretary and then he smiled. (John chào cô thư ký rồi anh mỉm cười)

- Nhấn mạnh sự phủ định bằng từ ngữ (dẫn [19])

(38) I don’t like Alice.( Tôi không thích Alice) dẫn đến  I positively dislike Alice. (Tôi rất ghét Alice)

- PC phản ánh [Mirror maxim] ([21: 147] dẫn Harnish, 1976)

(39) Harry and Sue bought a piano (Harry và Sue đã mua một chiếc đàn piano) dẫn đến they bought it together. (họ đã cùng nhau mua nó)

Các loại hàm ý như vậy hình thành thế nào? Rõ ràng là nguyên lý-I không đủ sức giải thích đầy đủ. Trong ví dụ 35 cách đọc theo quan hệ nhân quả có thể tốt hơn:  John vặn chìa khóa vì vậy động cơ khởi động.

Nguyên lý-I phải được hoàn thiện nhờ dùng kiến thức nền để suy luận ra thông tin. Levinson [21] đưa ra một giải thích tường minh về PC thích hợp và quy ước về tính-không tranh cãi được. Nguyên lý về sự cần yếu thông tin được phát biểu một cách đơn giản rằng sự giải thích tốt nhất là những phát ngôn phù hợp với những gì không tranh cãi được.

7)                                                                                                                                                                       Hai kiểu hàm ý

Kiểu 1. Hàm ý là sự phủ định mệnh đề mạnh hơn một cách ngữ nghĩa mệnh đề mà phát ngôn biểu thị.

Chúng ta đã nêu một số ví dụ:

 (2) X: Những ai được giải?// Y: Anh Sáu hoặc Út Năm.

       Lời đáp của Y có hàm ý phủ định phán đoán hội “Anh Sáu và Út Năm được giải”.

 (7) “Nhà tôi có 3 chiếc xe máy” có hàm ý (7c) “Nhà tôi không có 4 chiếc xe máy”

(12)  “Ba đã đọc nhiều công trình của Chomsky” có hàm ý (9b) “Ba chưa đọc tất cả các công trình của Chomsky”.

Kiểu 2. Hàm ý suy ra mệnh đề mà phát ngôn biểu thị

(40a) Hắn uống cả chai rượu mạnh không còn biết gì trời đất.

(40b) Hắn uống cả chai rượu mạnh, không còn biết gì trời đất.

Hai câu trên đều có hàm ý: Vì đã uống cả chai rượu mạnh nên hắn không còn biết gì trời đất.

(41) Ba và Năm khiêng chiếc bàn máy vi tính.

Hàm ý: Ba và Năm cùng nhau khiêng chiếc bàn máy vi tính.

 (42) Nếu em không hoàn thành luận văn trong tháng 8, em sẽ bị hủy kết quả cao học.

Hàm ý: Em sẽ không bị hủy kết quả cao học nếu và chỉ nếu hoàn thành luận văn trong tháng 8.

Loại hàm ý này thể theo PC ngữ dụng bù lại, nguyên lý-I của Levinson, hay là nguyên lý-R của Horn, nguyên lý cho rằng hàm ý được làm giàu hơn hoặc mạnh hơn  mệnh đề biểu đạt theo nghĩa đen. Làm nền cho nguyên lý làm giầu thông tin là quan điểm người nói có thể không cần nói những gì là hiển nhiên, không mâu thuẫn, và nói theo khuôn mẫu (thường ngắn gọn), vì rằng người nghe dễ dàng tự nhận ra những điều đó. Chẳng hạn, ai cũng biết một quan hệ nhân quả uống nhiều rượu mạnh thì say, hiện tượng say xảy ra sau khi uống rượu nên chỉ cần đặt hai sự kiện đó nối tiếp nhau rồi dùng từ  như câu (40a), thậm chí dùng dấu phẩy như câu (40b) để nối chúng lại là được một câu ngắn gọn mà hàm ý lại là một câu diễn đạt đầy đủ một quan hệ nhân quả tường minh.  Ở 3 ví dụ trên, các  hàm ý đều suy ra mệnh đề mà phát ngôn biểu thị. Nói cách khác, hàm ý thì mạnh hơn một cách ngữ nghĩa mệnh đề mà phát ngôn biểu thị.

Hàm ý dựa trên cơ sở nhận thức-ngữ dụng tổng quát

So sánh hai câu (a) “Tôi đã cắt vào ngón tay” (I broke a finger) và (b) “Tôi đã tìm thấy một ngón tay” (I found a finger)  Câu (a) có hàm ý “Tôi đã cắt vào ngón tay mình” còn câu (b) lại có hàm ý “Tôi đã tìm thấy một ngón tay người khác[/của ai đó]”. Hai hàm ý này được giải thích trên cơ sở nguyên lý-R [nói càng ít càng tốt. Người nghe tự bổ sung làm phong phú thêm thông tin làm thành hàm ý của câu.] Cả hai hàm ý trên đều có nội dung ngữ nghĩa mạnh hơn các câu có hàm ý ấy. Vấn đề đặt ra là hai câu trên có cấu trúc giống hệt nhau, chỉ khác nhau  ở hai vị từ cắt tìm, cùng độc lập với ngữ cảnh nhưng vì sao hàm ý lại liên quan đến sự đối lập giữa mìnhngười khác?

 Rõ ràng ở đây có vai trò của quy luật nhận thức - ngữ dụng tổng quát. Người ta chỉ đi tìm cái gì không gắn với mình còn cái gì thuộc cơ thể của mình, gắn cố hữu với mình thì luôn luôn xác định, luôn luôn biết rồi nên không phải tìm[6]. Tri thức về từ tìm này khiến câu (b) có hàm ý như đã nêu.

Ở đây có sự khác biệt thú vị giữa quán từ “a” không xác định của tiếng  Anh và từ “một” cũng có nghĩa không xác định của tiếng  Việt. Trong truyện cổ tích thường gặp câu “Ngày xưa có một ông vua…”. Ông vua này không xác định. Nhưng không ai nói “Đời Hùng Vương có một ông vua Lạc Long Quân tức Hùng Hiền Vương” vì Lạc Long Quân đã xác định trong tâm thức người Việt, dù chỉ là truyền thuyết. Tính không xác định dẫn tới tính không nắm bắt được, tính không biết. Ấy thế là yếu tố không xác định giúp tạo ra kiểu hàm ý không biết. Câu “Tôi thấy một đứa bé chui vào vườn” có hàm ý là “Tôi không biết đứa bé này”. Trong tiếng  Anh, ở hai câu (a), (b) trên đây hoặc ở những câu dưới đây thì quán từ “a” bắt buộc xuất hiện:

(31) He entered a house. (Anh ấy đi vào một ngôi nhà)

(30)  I slept on a boat yesterday. (Hôm qua, tôi đã ngủ trên một con thuyền)

Hai câu trên lần lượt có hàm ý ngôi nhà không phải của anh ấy (tức là: Anh ấy không đi vào nhà mình) và con thuyền không phải của tôi.

Nếu muốn nói đó là ngôi nhà của mình, con thuyền của mình thì cần thay quán từ “a” bằng đại từ sở hữu:

(31a) He entered his own house.

(30a) I slept on his own boat yesterday.

Tuy nhiên, trong tiếng Việt hầu như không nói “Anh ấy đi vào ngôi nhà của mình” hoặc “Hôm qua tôi đã ngủ trên con thuyền của mình” mà chỉ cần bỏ từ một, rồi bỏ cả loại từ thì trong những trường hợp này vẫn tạo ra câu với nghĩa “của mình”:

(31b) Anh ấy đi vào nhà.

(30a) Hôm qua, tôi đã ngủ trên thuyền.

Điều này có nghĩa là loại từ tiếng Việt là một lớp từ không xác định. Khi nào muốn diễn đạt hàm ý “đó là cái của mình” thì người ta có khuynh hướng bỏ loại từ và từ một. Câu “Trâu ơi ta bảo trâu này/Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta” (cd) có hàm ý đó là con trâu của người nông dân hát câu này chứ không phải là con trâu chung chung. Trong “Bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông” thì cô lái đò của Nguyễn Bính đã bỏ con thuyền của mình. Khi Nguyễn Khuyến nói với khách “Vườn rộng, rào thưa khó đuổi gà” thì đó là cái vườn nhà của Nguyễn Khuyến.

8)     Thông tin thứ bậc và sự thích hợp ngữ cảnh (Informativeness rankings and contextual relevance)

1.      [A] Ngoài những thang độ đã nêu, trong xã hội còn có những tập hợp nhỏ được sắp thứ tự bộ phận nên sinh ra những hàm ý trong quá trình lập luận liên quan đến PC lượng thứ nhất. Đó là những thang bậc xã hội, hành chính có quan hệ trên - dưới, thang bậc toàn thể - bộ phận, tổng quát – riêng biệt… Ví dụ:

 - Xếp hạng ngạch bậc

 (43)  A: Cô Năm là bác sĩ? / B: Cô ấy là hộ lý.

Lời đáp có hàm ý: Cô Năm không phải là bác sĩ.  Vì bác sĩ > hộ lý.

(44)  A: Ông Anh được phong PGS chưa? / B: Ông ấy đã bảo vệ tiến sĩ đâu.

Lời đáp có hàm ý: Ông Anh chưa là PGS. Vì trong nhận thức có thứ bậc giá trị học hàm học vị sau: giáo sư – phó giáo sư – tiến sĩ – thạc sĩ – cử nhân   

- Quan hệ bộ phận – toàn thể

(45)  A: Anh đã đọc “Tuyển tập Nam Cao” chưa? / B: Tôi mới đọc Chí Phèo.

Lời đáp có hàm ý: Tôi chưa đọc hết “Tuyển tập Nam Cao”

- Quan hệ theo tình huống được nêu

(46)  A: Cô có nước trái cây không?/ B: Tôi có nước dừa, cam, xoài và bưởi.

Lời đáp có hàm ý: B không có nước chanh, nước đu đủ và những loại nước khác.

 [B] Phép suy luận có thể dựa trên sự tuyển chọn những giá trị được sắp xếp phi tuyến không hẳn theo thang độ.

(47)   A: Anh có bản thảo viết tay nào của Tô Hoài không? (Tôi muốn trưng bày ở triển lãm) / B:  Tôi chỉ có Huy Cận thôi. /B1: *Tôi chỉ có bản thảo của trưởng phòng văn hóa thôi.

Hàm ý: Tôi không có bản thảo viết tay nào của Tô Hoài.

Câu trả lời của B chỉ coi là thích hợp nếu  Huy Cận được xã hội xếp cùng hàng, cùng loại với Tô Hoài. Câu B1 là không thích hợp. Trưởng phòng văn hóa có bậc quá thấp so với Tô Hoài trên thang bậc văn nghệ sĩ.

(48)   A: Cô có nước dừa không?

          B: Tôi có nước cam, xoài và bưởi.

Lời đáp có hàm ý: Tôi không có nước dừa.

 [C] Sự suy diễn này không chỉ do người nói khẳng định một điều nào đó, mà còn do người nói khước từ hoặc xác nhận một giá trị chưa biết nào đó. Một khi phủ định một điều nào đó cũng có hàm ý xác nhận giá trị đúng của những yếu tố tuyển chọn.

(49)  A: Đây là bịch trà Thái Nguyên à?

        B: Không phải trà Thái Nguyên đâu.

Lời đáp có hàm ý: Bịch này là loại trà khác.

            Xác nhận không biết một điều nào đó sẽ hàm ý tính đúng của điều thấp hơn trên thang độ và tính sai hoặc không biết của điều cao hơn trên thang độ.

(50)  A:  Bài của Đông đã được đăng chưa?

        B: Mình không biết anh ấy đã gửi bài đi chưa.

        A: Vậy là  anh ấy ĐÃ viết xong bài nghiên cứu?

        B: Đúng vậy.

            Quá trình được đăng bài báo khoa học ít nhất sẽ theo 3 mức độ thứ bậc:  bài được đăng> đã gửi bài> đã viết xong bài báo nghiên cứu khoa học. Câu trả lời thứ nhất “không biết đã gửi bài đi chưa” của B đã hàm ý tính đúng của mức thấp hơn “Đông đã viết xong bài báo nghiên cứu khoa học” nên A mới hỏi lại để khẳng định tính  đúng đắn của hàm ý đó.

Khi khai thác các hàm ý theo PC lượng thứ nhất (Hãy cung cấp đủ thông tin như đòi hỏi) và những PC chất, người ta thấy rằng khái niệm thích hợp có vai trò quan trọng để sắp thứ tự những phần tử trong những ngữ cảnh đặc thù. PC lượng thứ nhất bị “ràng buộc” bởi sự thích hợp với thực tế cuộc thoại, nên PC thích hợp còn quan trọng hơn PC lượng thứ nhất. Quan sát hai ví dụ:

 (51)   A: Hôm nay nhà mời cơm khách, bố cần 4 ghế nữa.

          B: Bên phòng chú Nam có 2 ghế rồi.

  (52) A: Hôm nay nhà mời cơm khách, bố cần 4 ghế nữa.

          B: Bên phòng chú Nam có 4 ghế rồi.

Hai đoạn thoại trên đều đề cập tới thang độ số tự nhiên, số lớn nhất là 4 (số lớn hơn nữa không thích hợp với lời của A) nhưng ở (51)  thì lời B nói có hàm ý thang độ “chỉ cần” 2 ghế nữa, còn ở (52) thì không. Lời của B ở (52)  không tạo ra hàm ý vì đã cung cấp một thông tin tối đa trong thang độ số tự nhiên 4 – 1 mà A đặt ra. Sự thích hợp ở đây tạo ra kiểu thang độ lẫn điểm cực của nó.

9)     Hàm ý thang độ từ tập hợp bao hàm và tập hợp con: thượng danh và hạ danh

Khái niệm: Trong số những người hút thuốc có người hút thuốc lá, có người hút thuốc lào, có người hút xì gà…Chúng ta nói  tập hợp “những người hút thuốc” bao trùm (superset) những tập hợp con là “những người hút thuốc lá”, “những người hút thuốc lào”, “những người hút xì gà”… {Hút thuốc} É {hút thuốc lá, hút thuốc lào, hút xì gà, hút thuốc phiện}. Coi khái niệm (người) “hút thuốc” là thượng danh thì những khái niệm “hút thuốc lá”, “hút thuốc lào”, “hút xì gà” là hạ danh. Từ tập hợp bao trùm thượng danh “hút thuốc” chúng ta hướng xuống những tập hợp con hạ danh  “hút thuốc lá”, “hút thuốc lào”, “hút xì gà”…Từ những tập hợp hạ danh chúng ta hướng lên tập hợp thượng danh. Có những hàm ý, sự suy ra liên quan đến sự hướng lên hay hướng xuống. Thượng danh và hạ danh cũng lập thành những thang độ. Một vài nhận xét.

-         Sự phủ định là hướng xuống điển hình: Từ câu (53a) “Ba không hút thuốc” sẽ suy ra câu (53b) “Ba không hút thuốc lào, không hút thuốc lá cũng không hút xì gà.”

            Có thể thay đổi quan niệm về những tập hợp con. Nếu cho rằng hút xì gà không phải là hút thuốc, thì hút thuốc và hút xì gà là những yếu tố ngang hàng, thuộc những tập hợp không giao nhau. Lúc đó có thể nói: “Ba không hút thuốc mà hút xì gà”

-         Phủ định chung là hướng xuống khi thu hẹp ngoại diên của chủ ngữ hoặc vị ngữ (tức là dùng định ngữ thu hẹp chủ ngữ hoặc thay từ phiếm định bằng thực từ).

            Từ một câu chúng ta sẽ được hàm ý là câu đã thu hẹp ngoại diên của chủ ngữ. Câu (54a) “Không ai hút thuốc” có hàm ý (54b) “Không sinh viên nào hút thuốc”, vì “không ai” É “không sinh viên nào”. Tiếp tục thu hẹp ngoại diên chủ ngữ lại tạo ra hàm ý mới như những câu:

(54c) “Không sinh viên Thụy sĩ nào hút thuốc”

(54d) “Không sinh viên Thụy sĩ nào học ở Việt Nam hút thuốc”

(54e)  “Không sinh viên Thụy sĩ nào học tiếng Việt ở Việt Nam hút thuốc”

(54f)  “Không sinh viên Thụy sĩ nào học tiếng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh hút thuốc”

(54g) “Không sinh viên y khoa nào hút thuốc”.

 Nhưng từ câu (54b) “Không sinh viên nào hút thuốc” cũng có thể tạo ra hàm ý hướng xuống khi thu hẹp bổ ngữ:

(54h) “Không sinh viên nào hút thuốc lào”. Vì “hút thuốc” É “hút thuốc lào”.

Và cũng có thể tạo ra hàm ý khi thu hẹp theo cả hai hướng:

(54i) “Không sinh viên y khoa nào hút thuốc phiện”

-         Câu khẳng định chung là hướng xuống khi thu hẹp ngoại diên của chủ ngữ và hướng lên khi mở rộng ngoại diên của vị ngữ. Ví dụ: câu (55a) “Mọi sinh viên đều hút thuốc lá” sẽ có hàm ý là câu đã thu hẹp chủ ngữ (55b) “Tất cả các sinh viên nam đều hút thuốc lá” và cũng có hàm ý là câu đã mở rộng vị ngữ  (55c)”Mọi sinh viên đều hút thuốc”.

 

10)                   Hàm ý thang độ trong câu phức

            Vấn đề 1: Nếu một từ vị của thang độ này nằm trong phạm vi tác động của một từ vị thuộc thang độ khác thì hàm ý sẽ như thế nào? Ví dụ:

(56) Tối qua Ba đã ăn vài quả táo hoặc quả cam.

            Câu trên đây là một phán đoán tuyển “Tối qua, Ba đã ăn vài quả táo hoặc Ba đã quả cam”, nghĩa là thang độ lượng từ có từ vài nằm trong phạm vi tác động của thang độ liên từ (và, hoặc). Mà phán đoán phức dùng hoặc có hàm ý phủ định phán đoán phức dùng và. (x. ví dụ (5), §2) Do vậy, lẽ tự nhiên chúng ta nghĩ rằng (56) có hàm ý (57):

(57)  Tối qua, Ba đã không ăn vài quả táo quả cam.

            Trên cảm tính, hàm ý này có vẻ đúng một cách lô gích khi mà tối qua Ba đã ăn hết tất cả táo (suy ra ăn vài quả táo) còn không ăn cam. Nhưng nếu tôi biết là tối qua Ba đã ăn hết tất cả các quả táo thì tôi không chấp nhận hiển ngôn “ăn vài quả táo”. Lúc đó, tôi sẽ phản ứng như là (58a) chứ không phải như (58b):

(58a) Đâu có, Ba ăn hết tất cả các quả táo đấy chứ.

(58b) *Đúng vậy, Ba ăn hết tất cả các quả táo đấy chứ.

            Nghĩa là câu (56) không phải có hàm ý (57). Lúc đó ở (56) ít nhất cũng có một hàm ý khác mà theo cảm tính không thấy được, chẳng hạn (59):

(59) Tối qua, Ba không ăn tất cả các quả táo.

            Hàm ý loại này hình thành thế nào, giải thích thế nào? 

            Vấn đề 2: Khái quát hơn là vấn đề hàm ý thang độ trong những câu chêm (embedded sentences). Nếu một câu chứa đựng những yếu tố thang độ đem chêm vào một câu khác thì hàm ý thang độ của nó thay đổi thế nào? Câu hỏi đặt ra này tương tự câu hỏi đặt ra cho bài toán chiếu xạ tiền giả định (projection presupposition). (Về vấn đề này, có thể xem [3: 94 – 103])

            Xét hai câu sau:

(60)  Có 4 người được học bổng.

(61)  Không có hơn 4 người được học bổng.

            Câu (60) có hàm ý là câu (61). Bây giờ đem câu (60) chêm vào một câu có vị từ khẳng định, nghĩ, tin, tưởng:

(62a) Ba khẳng định rằng có 4 người được học bổng.

(62b) Ba nghĩ rằng có 4 người được học bổng.

(62c) Ba tin rằng có 4 người được học bổng.

(62d) Ba tưởng rằng có 4 người được học bổng.

      Hàm ý (61) vẫn còn trong câu (62a), nhưng đã mất đi trong câu (62d). Không thể kết luận gì với hai câu (62b) và (62c), ngoài việc kết luận rằng chúng có các hàm ý “Ba nghĩ rằng không có hơn 4 người được học bổng” và “Ba tin rằng không có hơn 4 người được học bổng”.

      Hàm ý của hiện tượng chêm có thể được gợi ý từ những yếu tố ngữ pháp. Récanati  [23] cho rằng cách tiếp cận cổ điển của Grice không giải thích được những hàm ý trong những câu chêm.

Dẫn liệu ngôn ngữ

KR – Phim Kén rể; NK – Nguyễn Khải, Gặp gỡ cuối năm; NT- Nguyễn Tuân; TĐ – Trần Đăng, Trận phố Ràng;

Tài liệu tham khảo

1.                                                                                                                                                                              Đỗ Hữu Châu, 2001, Ngữ dụng học, nxb Giáo dục, Hà Nội

2.               Nguyễn Đức Dân & Nguyễn Thị Yên, 1983,Thang độ, phép so sánh và sự phủ định, Ngôn ngữ , số 3 – 1983, tr.21 – 29;

3.               Nguyễn Đức Dân, 1987, gích, ngữ nghĩa và cú pháp, nxb ĐH &THCN

4.               Nguyễn Đức Dân, 1996, gích và tiếng Việt, nxb Giáo dục

5.               Nguyễn Đức Dân, 1998, Ngữ dụng học, t.1 nxb GD; 2013, Ngữ dụng học, chuyên đề cao học, ĐH KHXH&NV,Tp HCM

6.                Nguyễn Thiện Giáp, 2000, Dụng học Việt ngữ, nxb Đại học Quốc gia Hà Nội

7.               Nguyễn Văn Hiệp, 2008, Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp, Nxb Giáo dục

8.                                                                                                                                                                           Anscombre, J.M. & Ducrot, O., 1983, L’argumentation dans la langue, Mardaga,

9.                                                                                                                                                                           Cole, Peter and Jerry L. Morgan (eds.), 1975, Syntax and Semantics 3: Speech Acts. NewYork: Academic Press

10.                                                                                                                                                                       Davis, W.A.,1998, Implicature: Intention, Convention, and Principle in the Failure of Gricean Theory, Cambridge: Cambridge University Press

11.                                                                                                                                                                      Davis, W. A., 2010, Implicature (substantive revision Sep 22, 2010)

12.                                                                                                                                                                       Ducrot, Oswald, 1972, Dire et ne pas dire. Principes de sémantique linguistique. Paris: Hermann

13.                                                                                                                                                                      Gazdar, Gerald, 1979, Pragmatics: Implicature, Presupposition and Logical Form. New York: Academic Press

14.                                                                                                                                                                       Geurts, Bart., 2009, Scalar implicatures and local pragmatics. Mind and Language 24(1): 51–79

15.                                                                                                                                                                      Grice, H. Paul, 1975, Logic and Conversation. In: Peter Cole and Jerry L. Morgan (eds.), Syntax and Semantics, vol. 3, p. 41-58

16.                                                                                                                                                                      Grice, H. Paul, 1978, Further notes on logic and conversation. In P. Cole (ed.), Syntax and Semantics, vol. 9, p. 113-127

17.                                                                                                                                                                       Harnish, R., 1976,  Logical form and implicature, in T. G. Bever, J. J. Katz & T. Langedoen (eds.), An Integrated Theory of Linguistic Ability, pp. 313–92, New York: Thomas Y. Crowell

18.                                                                                                                                                                       Horn, Laurence R., 1984, Towards a new taxonomy for pragmatic inference: Q-based and R-based implicature, in D. Schiffrin (ed.), Georgetown University Round Table on Languages and Linguistics, pp. 11–42. Washington, DC: Georgetown University Press

19.                                                                                                                                                                       Horn, Laurence R, 1989., A Natural History of Negation, Chicago: University of Chicago Press.

20.                                                                                                                                                                       Horn, Laurence R., 2004, Implicature. In: Laurence R. Horn and George Ward (eds.), The Handbook of Pragmatics, 3-28. Oxford: Basil Blackwell

21.                                                                                                                                                                      Levinson, Stephen C., 2002, Pragmatics, CUP, 1983, 2002

22.                                                                                                                                                                      Levinson, Stephen C., 1987, Minimization and conversational inference. In: Jeff Verschueren and Marcella Bertucelli-Papi (eds.), The Pragmatic Perspective, 61-129. Amsterdam: John Benjamins

23.                                                                                                                                                                       Récanati, François, 2004, Embedded Implicatures (trang pdf)

24.                                                                                                                                                                       Searle, R. John, 1969, Speech Acts. An Essay in the Philosophy of Language. Cambridge: Cambridge University Press

25.                                                                                                                                                                       Sperber D. & Wilson D., 1995, Relevance: Communication and Cognition, 2nd Ed., Oxford: Blackwell

 

TÓM TẮT

Bài này giới thiệu những vấn đề chủ yếu về hàm ý thang độ.

Trong ngôn ngữ có những đối tượng được sắp xếp theo thang độ, chúng tạo ra những kiểu hàm ý nhất định.

Nhiều nghiên cứu cho thấy nguyên lý cộng tác của Grice không đủ để giải thích những hiện tượng khác nhau về hàm ý thang độ. Trong khi đó nguyên lý thích hợp của Sperber và Wilson lại tỏ ra là một công cụ hữu hiệu. Horn, Lewinson…và nhiều nhà nghiên cứu khác đã bổ sung, điều chỉnh nguyên lý của Grice.  

Từ khóa: Hàm ý hội thoại, hàm ý quy ước, thang độ, nguyên lý cộng tác, nguyên lý thích hợp, phán đoán cực cấp.

ABSTRACT

This paper introcduces the key issues of scalar implicature. There are many scalars in languages. These scalars establish many possible implicatures.

Studies show that the Cooperative Principle of Grice is not the only theory that explains scalar implicatures. Meanwhile, the Relevance Principle of Sperber and Wilson out to be an effective tool. Many subsequent researchers such as Horn and Lewinson and others  have modified Grice’s theory.

This paper develops some specific structures of empty words in Vietnamese. These play a key role in conveying scalar implicatures, especially those with extreme implications.

Key words: implicature, cooperative Principle, Relevance Principle, scalar, strongest statement, conventional, conversational.



[1]) Chúng ta lưu ý ngay rằng trong giao dịch đời thường, khi tính toán tiền nong thì người ta nói những con

 số chính xác: Tôi vay ngân hàng 100 triệu với lãi suất 1% tháng, vị chi mỗi tháng phải trả lãi 1 triệu. Ở đây không có khái niệm vay “nhiều hơn” hay vay “ít hơn”.

 

[2]) Chúng ta phân biệt hai thuật ngữ: các nhà ngôn ngữ học thuộc phái “hậu- Grice” (post-Gricean) và các nhà ngôn ngữ học thuộc phái “Grice-mới”( neo-Gricean) như sau: Phái hậu-Grice nói đến tất cả các cách tiếp cận ngữ dụng lấy công cụ suy luận  thông báo của Grice làm xuất phát điểm, như vậy bao gồm cả lý thuyết thích hợp. Còn phái Grice-mới là những cách tiếp cận dựa trên những lý thuyết khác với Nguyên lý cộng tác và những PC của Grice. Họ điều chỉnh lại các PC của Grice và dường như cũng nhìn nhận vai trò của ngữ pháp trong sự thể hiện hàm ý, đặc biệt ở lĩnh vực các thang độ được quy ước. Như vậy không bao gồm lý thuyết thích hợp. Quan điểm của phái này làm gia tăng quá trình hiểu ngữ dụng.

 

[3] Tại giải vô địch cử tạ thế giới ở Almaty (Kazakhtan), ngày 08.11.2014, ở hạng cân 56kg nam, Thạch Kim Tuấn và Om Yun Chol - đương kim vô địch thế giới và Olympic 2012- cùng đạt tổng cử 296kg nhưng Kim Tuấn phải chấp nhận HC Bạc vì có trọng lượng cơ thể là 55,75kg, nặng hơn 40g so với Om Yun Chol.

[4]) Năm 1843, nhà triết học người Anh John Stuart Mill  đưa ra 5 phương pháp suy luận  quy  nạp : 1) tương hợp; 2) dị biệt; 3) kết hợp tương hợp và dị biệt; 4) phần dư;  5) các biến song hành. (có thể xem [4: 173 – 180])

[5] Nguyễn Vân Phổ, trong những bài viết của mình, dịch relevance Principle là Nguyên lý quan yếu.

[6] Ngoại trừ việc dạy trẻ em một hai năm tuổi học từ ngữ thì mới hỏi: Đầu em đâu? Mắt em đâu? Tay em đâu?...