Viết mơ hồ - một vũ khí ngoại giao

GS TS Nguyễn Đức Dân

về trang chủ
PhẨm chất của những người cầm bút: Viết chính xác, viết không mơ hồ. Điều này đặc biệt quan trọng với những ai soạn thảo văn bản chính trị, quân sự, ngoại giao, thương mại.
Ý thức được tầm quan trọng của cách viết rõ ràng , chính xác, có tác giả khi không tránh được một câu mơ hồ đã tìm cách ghi chú thêm cho câu rõ nghĩa. Đổng lý văn phòng triều đình cuối cùng nhà Nguyễn, ông Phạm Khắc Hoè trong hồi kí Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc đã viết: “Năm (5) tháng trước , khi bản thảo Dụ “Dân vi quý” được nhà vua phê chuẩn […]” ( tr. 62). Rõ ràng là ông e rằng nếu viết “Năm tháng trước” có thể làm người đọc hiểu lầm thành “Những năm, những tháng trước…”. Ông bèn chua số 5 vào trong ngoặc đơn để mọi người đều hiểu ông viết chính xác là “ 5 tháng trước…”.
Một câu mơ hồ có thể là nguyên nhân của một cuộc chiến tranh! Đó là câu chuyện tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan. Sau khi giành được độc lập từ tay thực dân Anh vào năm 1947, bán đảo Ấn Độ được chia thành hai nước là Ấn Độ (đa số là người Hinđu) và Pakistan (đa số là người Hồi giáo). Hồi đó thủ lĩnh của người Hồi giáo vùng Kashmir là Hari Singh kêu gọi độc lập cho vùng đất này. Vì phải đối phó vất vả với tộc người Pastun được Pakistan hậu thuẫn, Hari Singh kêu gọi sự giúp đỡ của Ấn Độ và chấp nhận dưới quyền thống trị của Ấn Độ. Thế là nổ ra cuộc chiến đầu tiên giữa Ấn Độ và Pakistan. Năm 1949, một hiệp định ngừng bắn đầu tiên được kí kết. Theo đó, vùng Kashmir được chia làm hai phần với đường biên kéo dài từ phía tây Kashmir tới gần hết vùng đất có tranh chấp là Siachen Glacier, tên một dòng sông băng trên đỉnh núi. Phần lãnh thổ hình tam giác còn lại được hiệp định phân chia rất mập mờ là “cứ tiếp tục như vậy về phía sông băng” tại khu vực. Từ đó nảy sinh bi kịch. Hai thập kỉ tiếp theo hiệp định đó, chỉ có sự tranh chấp của những người vẽ bản đồ. Nhưng từ đầu thập kỉ 70, khi những người leo núi đầu tiên tới thám hiểm vùng này, người ta nảy sinh ý nghĩ: Tại sao quân đội lại không thể lên đây? Ngày 13.4.1984 quân đội Ấn Độ đặt chân lên đây, lên đỉnh núi và triển khai quân đội quanh sông băng Siachen. Từ đó có cuộc chiến dai dẳng cho tới nay. Phải chăng tai hoạ xảy ra vì dịch sai một từ?
Giai thoại: Tối hậu thư Potsdam gửi cho Nhật do Mỹ, Anh và Trung Hoa kí được công bố ngày 26.7.1945. Bức tối hậu thư buộc Nhật phải chọn một trong hai con đường: Hoặc đầu hàng, hoặc bị tiêu diệt. Hội đồng bộ trưởng Nhật đã họp để thảo luận về tối hậu thư này. Cạnh phe chủ hoà còn có phe chủ chiến như bộ trưởng Bộ chiến tranh Anami và các tham mưu trưởng nên chỉ đi đến một quyết định tương đối thuận lợi cho con đường hoà bình: Chính phủ không có ý định bác bỏ các yêu cầu của đồng minh. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo vào ngày 28.7.1945, thủ tướng Nhật đương thời là Kantaro Suzuki đã tuyên bố một câu là “Hội đồng bộ trưởng tạm thời áp dụng chính sách mokusatsu”. Trong các thứ tiếng Châu Âu, không có một từ nào đồng nghĩa chính xác với từ mokusatsu. Ngay trong tiếng Nhật, nghĩa của từ này cũng rất mập mờ: Nó có thể chỉ sự bác bỏ , mà cũng có nghĩa là lảng tránh, không bình luận. Do vậy các nhà phiên dịch của Thông tấn xã Nhật Domei không làm cách nào biết được ý định thực sự của thủ tướng Suzuki. Và bản dịch sang tiếng Anh của họ đã phạm phải một sai lầm quan trọng khi loan tin là chính phủ Nhật quyết định không xem xét tối hậu thư Potsdam . Thế là trên tờ Times , cùng ngày 28.7.45 có ngay một bản tin đặc biệt: “Hạm đội đồng minh tấn công ngay vào lúc Tokyo bác bỏ các điều kiện hoà bình.” ( Theo Thế giới mới, số 35, tr.54 – 56).
Thực hư như thế nào là công việc của các nhà lịch sử. Bản lĩnh của nhà ngoại giao và chính khách: biết dùng câu mơ hồ Câu chuyện về lựa chọn từ ngữ cho một bản kiến nghị (viết bằng tiếng Pháp và đã đăng trên tờ Le Monde của Pháp, ngày 22.4.1954) Tháng 3. 1954, một nhóm trí thức yêu nước Hà Nội quyết định viết một bản kiến nghị gửi tới chính phủ Pháp (nhưng lại với danh nghĩa một nhóm trí thức trung lập ở Hà Nội) yêu cầu điều đình với chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà để lập lại hoà bình ở Đông Dương. Trong bản thảo đầu tiên có đoạn “Chính phủ Pháp phải điều đình với Chính phủ Hồ Chí Minh”. Có người không tán thành. Từ “phải” sẽ tố cáo rằng đây không phải là nhóm trí thức trung lập. Có người đề nghị đổi thành “yêu cầu hai bên gặp nhau để…”. Viết vậy cũng không ổn vì đã gạt chính phủ bù nhìn của Pháp ra ngoài và chắc chắn phía Pháp không đồng ý. Nhưng cũng không thể viết là “yêu cầu ba bên gặp nhau để…”. Viết vậy hóa ra chúng ta gián tiếp công nhận chính phủ bù nhìn của Pháp . Cuối cùng nhờ sự khác biệt giữa tiếng Việt và tiếng Pháp đã tìm ra chữ “các bên” (les parties): “yêu cầu các bên gặp nhau để…”. Với tiếng Việt, viết các bên thường phải hiểu là ít nhất có ba bên. Tiếng Pháp, viết “les parties” là đạt yêu cầu vì chỉ hai bên là phải dùng les (các) rồi. Viết les parties, ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. (theo HNM, 01.10.1989) Chọn cách viết mơ hồ cho bản hiệp định: Quốc quân là gì? “Chiều ngày 26.02.1946, đoàn đại biểu Đảng cộng sản Trung Quốc do Chu Ân Lai dẫn đầu đã kí “Phương án cơ bản về việc biên chế lại quân đội và thống nhất biên chế bộ đội Trung Cộng thành Quốc quân”. Từ Quốc quân được Chu Ân Lai dùng mập mờ. Tưởng Giới Thạch biết rằng, chữ “Quốc quân” là quân đội quốc gia, chứ không phải quân đội của Quốc dân đảng và do đó ông đã kiên quyết phản đối, ký thì ký, còn tấn công vẫn cứ tấn công, và không khí nội chiến ngày càng tăng” (KTNN, 20.12.95) Làm thế nào giảm căng thẳng ngoại giao: Sorry nghĩa là gì? “Ngày 01.4.2001, máy bay do thám Mỹ xâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc và đụng rớt máy bay quân sự của nước này. Mỹ đã vi phạm độc lập , chủ quyền của Trung Quốc nên gây ra một không khí rất căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung … Chính phủ Trung Quốc đòi hỏi Mỹ phải giải thích và xin lỗi. Khi bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ronald Rumsfeld xuất hiện trên truyền hình nói về vụ này có nhắc tới từ “sorry” thì mối quan hệ này mới bớt căng thẳng đi và lắng dịu lại. Phía Trung Quốc hiểu rằng như vậy là Mỹ đã “xin lỗi”. Nhưng sau đó Ronald Rumsfeld giải thích rằng sorry chỉ có nghĩa là “lấy làm tiếc”. (Dẫn Chào buổi sáng, VTV1, 27.12.2001) Dùng câu mơ hồ để phê phán tế nhị Wilson khi làm thống đốc bang New Jersey nhận được cú điện thoại từ Washington, D.C. nói rằng một nghị sĩ bang New Jersey – tức bạn ông- đã qua đời. Ông rất xúc động và huỷ mọi cuộc hẹn trong ngày. Sau mấy phút, ông lại nhận được cú điện thoại của một chính trị gia New Jersey. Người ấy lắp bắp nói: “Ông thống đốc, Tôi, tôi hy vọng có thể thay thế vị trí của ông nghị sĩ nọ.” Wilson rất bực với thái độ quá “nhanh nhẹn” của y. Ông bèn chậm rãi trả lời: “Được lắm, nếu nhà quàn đồng ý thì cá nhân tôi cũng nhất trí.”

Nội dung trang WEB liên hệ GS TS Nguyễn Đức Dân , Điện thoại 0919420274
Kỹ thuật -trình bày liên hệ 0989091203 , , email truongsonh7@yahoo.com