Tiếng lóng tôi dùng cách nay hơn 60 năm

GS TS Nguyễn Đức Dân

về trang chủ
tiếp tuc câu chuyện tiếng lóng: Có những tiếng lóng đã đi vào ngôn ngữ toàn dân, hoặc trở thành uyển ngữ, hay nhã ngữ… Vì sao ra đời tiếng lóng? Như chúng ta biết, tiếng lóng là thứ tiếng được dùng trong một giai tầng xã hội nhỏ, cốt để truyền đi những thông tin bí mật. Tầng lớp hạ lưu là những người đầu tiên dùng tiếng lóng. Thật ra rất nhiều thành phần xã hội cũng có nhu cầu dùng tiếng lóng. Là học sinh, hẳn có lúc bạn có nhu cầu nói với bạn bè những điều không muốn để ba má biết. Thế là bạn phải dùng tiếng lóng. Ngay cả những chính khách cũng có lúc cần dùng tiếng lóng để giữ bí mật thông tin. Xin kể giai thoại sau: Trong Hội nghị Yalta của ba nước lớn (4/2/945–11/2/1945) bàn về những chuyện khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, có Thủ tướng Anh Winston Churchill, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (cũ) Joseph Stalin. Có một hôm, đô đốc Hải quân Mỹ William D. Leahy báo cáo với Tổng thống Mỹ Roosevelt rằng: “Ở nhà cho biết em bé đã ra đời khỏe mạnh”.
Trong cuộc họp quan trọng của “ba ông lớn” cũng có nhu cầu nói tiếng lóng. Trong cuộc họp quan trọng của “ba ông lớn” (Big Three), dù là lúc rảnh rỗi ngoài lề, mà lại nói tới “em bé”. Rõ ràng “em bé” là một tiếng lóng. Chủ tịch Joseph Stalin liền chúc mừng F. D. Roosevelt: “Chúc nước Mỹ đã thử thành công bom nguyên tử”! Lại có những điều không cần giữ bí mật, nhưng không cho phép chúng ta nói thẳng ra đúng như tên gọi của nó mà phải nói trại đi. Đó là những điều cấm kỵ (taboo). Đây cũng là một lý do dẫn tới tiếng lóng. Chuyện này chúng ta sẽ nói sau. Lại còn trường hợp gặp những điều nói ra thì chẳng “vẻ vang” gì. Ấy thế là cũng phải nói trại đi. Đó cũng là nguồn gốc cho việc hình thành tiếng lóng. Một người luôn mong có con trai để “nối dõi tông đường” nhưng vợ chỉ sinh con một bề, khi trả lời câu hỏi “Lần này bà xã sinh trai hay gái?” thì có thể dùng tiếng lóng nói lên nỗi thất vọng: “Lại một thị mẹt”, hay “Lại một con vịt giời”,… Khi trả bài kiểm tra, được 10 điểm, hẳn bạn không cần dùng tiếng lóng để báo người khác biết mình được mấy điểm mà nói ngay “Tớ được 10”. Ấy thế nhưng nếu bị 2 hoặc 1, nói lên số điểm này cũng hơi bị “ê”. Thế là phải dùng tiếng lóng nhằm giảm mức độ thua kém của mình: “Tớ bị xơi ngỗng”, “Cô giáo phang tớ một gậy”,…
Tiếng lóng học đường Cách đây hơn 60 năm, ngay từ năm 1946, chúng tôi đã dùng tiếng lóng để nói cho vui và cũng là để giữ bí mật với bố mẹ vốn quản lý chặt chẽ con cái về giờ giấc.
Trường học cũng là nơi sản sinh ra tiếng lóng. Đó là thứ tiếng lóng học đường. Đại để những câu hỏi đáp như sau: - Lokí liđi lanhđí libi lôngkhi? (nghĩa là: Có đi đánh bi không?) - Lôbí lơtí lôngkhi lochi liđi. (nghĩa là: Bố tớ không cho đi) Kiểu nói lóng này nghe hay hay thì học nói theo và chúng tôi học theo kiểu truyền khẩu, nghe các anh ở lớp trên nói và nói theo, cứ câu ấy, câu ấy là phải nói như vậy. Nói nhưng không biết quy tắc nói lóng đó như thế nào. Nói mãi thành biết. Sau này, đọc quyển Les jeux de mots (chơi chữ) của Pierre Guiraud, tôi mới biết hóa ra đấy là kiểu tiếng lóng largonji của tiếng Pháp. Hẳn là do trẻ em Pháp mang sang. (Ai biết rõ hơn xin chỉ giùm!). Mỗi kiểu tiếng lóng đều được xây dựng theo một mã (quy tắc) nhất định. Kiểu nói lóng này rất đơn giản. Một người giải mã hạng ba, trong vài ba phút là có thể phát hiện ra kiểu mã này. Để ý, các bạn sẽ thấy tiếng nào cũng có chữ l ở đầu và chữ i đứng cuối. Chẳng hạn, Lokí liđi lanhđí libi lôngkhi? Hẳn đó là những chữ người ta thêm vào. Chúng ta bỏ chúng đi: ok’ iđ anhđ’ ib ôngkh? Đây không phải là chữ quốc ngữ, thứ chữ viết có dấu thanh điệu đặt trên nguyên âm chính của vần chứ không phải đặt sau chữ cái cuối cùng như trên. Vậy chúng ta chuyển các dấu thanh đó lên nguyên âm ở đầu chữ, như ok’ -> ók. Chúng ta được: ók iđ ánhđ ib ôngkh? Trong tiếng Việt, phụ âm đứng trước vần chứ không đứng sau. Vậy thử đảo phụ âm lên đầu chữ: ók iđ ánhđ ib ôngkh? -» kó đi đánh bi không? Chúng ta được một câu tiếng Việt. Tương tự, các bạn dễ dàng giải mã được câu thứ hai là ‘Bố tớ không cho đi’.
Một thời, dân hàng thịt ở Pháp cũng dùng tiếng lóng kiểu largonji. Vì sao có tên gọi largonji? Tên gọi này bắt nguồn từ jargon có nghĩa là ‘biệt ngữ’ hay là “thứ tiếng khó hiểu”. Quá trình này như sau: jargon -> argonj -> largonji. Tên gọi largonji giải thích luôn “mã” của kiểu lóng này: Với mọi từ, đều chuyển phụ âm đầu xuống cuối rồi thêm l_i vào đầu và cuối. Theo cách trên, trong cặp l_i, nếu thay i bằng một nguyên âm khác hoặc bằng một vần khác là chúng ta tạo ra được một kiểu nói lóng mới. Chẳng hạn, dùng cặp l_ơ, câu ‘Có đi đánh bi không?’ sẽ thành: Locớ liđơ lanhđớ libơ lôngkhơ? Các bạn có thể dễ dàng lập ra những ‘mã’ tiếng lóng mới và riêng biệt. Nhưng nên nhớ: đã là mã (code) thì cần theo những luật chặt chẽ.
Tiếng lóng nhanh đến và nhanh đi
Cuối năm 1946, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình tôi tản cư về quê. Học trò nông thôn không nói tiếng lóng. Môi trường nói lóng mất đi, chẳng còn nói lóng với ai được nữa. Tôi không dùng tiếng lóng nữa và mau chóng quên đi. Nhiều tiếng lóng là dấu vết của một thời, nay bạn trẻ không hiểu nữa nhưng các bạn lại có kiểu tiếng lóng mới. Có những tiếng lóng đã đi vào ngôn ngữ toàn dân: Nói tới “thị mẹt”, ai cũng hiểu đó là con gái. Mọi người đều hiểu thì còn gì là “lóng” nữa. Còn “con vịt giời” cũng chỉ con gái, nhưng là lối nói lịch sự cho từ ngữ đẹp lên, nên được gọi là uyển ngữ, hay nhã ngữ (euphemism). Chuyện này, chúng ta sẽ nói sau.
Tiếng lóng: Sao gọi là 'lóng'?
xoay quanh hai câu hỏi được nhiều bạn nêu lên: Tiếng lóng là gì, và do đâu mà gọi là "lóng"?
Tiếng lóng kiểu "Chuột túi" Tiếng lóng tôi dùng cách nay hơn 60 năm ‘Tiếng sao Hỏa' = Hình thức giải trí? Tiếng lóng: 'Tiệc cocktail' trên mạng tiếng Hoa Mật mã dễ thương, hay sự nghèo nàn ngôn từ? Tiếng lóng @: 8x, 9x Việt nghĩ gì? Mê tiếng lóng, vì đâu? Ngôn ngữ chat & Sĩ diện điện tử Tiếng lóng "hiểu chết liền" Sao gọi là "lóng"? Tiếng lóng là slang, cant (tiếng Anh), là argot, jargon (tiếng Pháp). Người ta không biết đích xác từ slang xuất hiện lúc nào, nhưng năm 1736 đã xuất hiện từ điển Nathan Bailey’s Canting Dictionary (thieving slang). Trong từ điển này, người ta sưu tầm từ ngữ của bọn trộm cắp (Foot-Pads), ăn mày (beggars), dân lang thang (gypsies), bọn lường gạt (cheats), bọn đào ngạch, khoét vách, bẻ khóa (house-breakers), phu bốc vác (shop-lifters), bọn cướp đường (highway-men)…
Từ xưa, nói chung, tiếng lóng là ngôn ngữ của tầng lớp hạ lưu như dân gypsy,...
Ngay tựa đề ấy cũng cho biết, từ xa xưa, tiếng lóng là ngôn ngữ của bọn trộm cắp, và nói chung là của tầng lớp hạ lưu. Vì vậy, trước đây ở rất nhiều nước, nhiều người coi tiếng lóng là thứ ngôn ngữ thiếu văn hóa, không nên dùng.
Thậm chí ở Việt Nam, cách đây chưa xa, cũng có những nhà ngôn ngữ học cho rằng tiếng lóng là hiện tượng không lành mạnh trong ngôn ngữ, không có tác dụng tích cực, không làm giàu thêm ngôn ngữ toàn dân, phải triệt để chống tiếng lóng và kiên quyết gạt nó ra khỏi ngôn ngữ văn hóa. Bạn có thể tìm thấy điều này qua giáo trình Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại (Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1976), hoặc công trình Tiếng Việt trên đường phát triển (NXB Khoa học Xã hội, 1982) của Nguyễn Văn Tu và Nguyễn Kim Thản. Ở Việt Nam, tôi không rõ từ "lóng" trong "tiếng lóng", "nói lóng" xuất hiện từ bao giờ. Nhưng trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Của, in năm 1895, đã có từ "nghe lóng", nghĩa là "nghe qua vậy, nghe lóm nghe không chắc", "lóng tai" nghĩa là "lặng (/lắng) tai, nghe cho tỏ rõ", và "hỏi lóng" nghĩa là "hỏi lén",... Trong Việt Nam Tự điển, xuất bản năm 1931, đã cắt nghĩa lóng là "thứ tiếng của một bọn dùng riêng với nhau để cho người ngoài không hiểu: tiếng lóng của cô đào. Tiếng lóng của lái lợn. Nghĩa rộng: nghe được câu chuyện người ta nói riêng với nhau gọi là nghe lóng". Vậy thì, từ 1895, Huình Tịnh Của đã giảng nghĩa "nghe lóng" là nghe lóm, nghe theo cách bí mật, không chính thống, "hỏi lóng" là hỏi lén, hỏi bí mật, theo cách không chính thống. Đó cũng là cách giải thích cho "nói lóng" là cách nói bí mật, nói theo cách không chính thống. Vậy thì, trong tiếng Việt, từ cuối thế kỷ XIX, từ "lóng" đã có cái nghĩa "chuyện riêng tư, thầm kín, không chính thống". Vỏ ngữ âm của từ "lóng" rất gần với slang. Nhưng chưa có chứng cứ nào chỉ rõ từ lóng bắt nguồn từ slang.
Do đâu hình thành từ slang?
Vài định nghĩa khác
Từ điển Petit Larousse illustré (1973): "Từ vựng riêng biệt của một nhóm, một nghề hoặc một giai tầng xã hội". Hiện đại Hán ngữ từ điển (Trung Quốc, 1998) giải thích về li yu (lý ngữ - tiếng lóng): "Những phuơng ngôn thô tục hoặc luu hành hạn hẹp". Advanced learner's English dictionary (1993): "Các từ, cụm từ rất thân mật, không nghi thức, thuờng dùng trong lời nói, nhất là giữa những nguời cùng một nhóm xã hội, làm việc cùng nhau và không đuợc xem là thích hợp cho những bối cảnh nghi thức, cũng nhu chẳng thể sử dụng lâu dài". Các từ điển trên không phân biệt tiếng lóng với biệt ngữ và tiếng nghề nghiệp. Nhà nghiên cứu Da Zhaomin của Trung Quốc (1996) đề xuất cách gọi khác: ấn ngữ / ám ngữ / hắc thoại. Tác giả này chia ra hai loại lớn, gọi là "ẩn ngữ nghề nghiệp" và "ẩn ngữ giang hồ". (Theo VÕ NGÂN Vuơng)
Có nhiều giả thuyết về cội nguồn từ này. Xin nêu để các bạn tham khảo. - Trong tiếng của một tộc người ở Trung Âu gốc Á, sống lang thang (trước đây thường gọi là dân di-gan, dân bô-hê-miêng, dân gipsy), slang là cái lưỡi, là ngôn ngữ. - Theo các tác giả O. Ritter (1906), K. Werstendorpf (1923), slang chính là cách đọc dính của cụm từ thieves’ language, gypsies’ language. - Tiếng Thụy Điển có từ slengjenamn có nghĩa là bí danh. Các tiếng Đan Mạch, Na Uy đều có từ slæng, sleng với nghĩa bóng là ngôn ngữ của riêng từng nhóm người mà phát âm nghe thành slang. Đó có thể là nguồn gốc của từ slang. - Trong tiếng Pháp thế kỷ XVII, nargue có nghĩa là trộm cắp, sau chuyển thành động từ narguer rồi thành danh từ (un) argot.
3. Hiện nay người ta quan niệm về tiếng lóng khác đi. Đó là lớp từ vựng dùng không theo thể thức chuẩn, không theo quy ước như cách dùng thông thường. Chúng là những từ mang những thông tin không chính thức như nghĩa thông thường, có thể là những từ mới hoặc những từ ngữ vốn có nhưng nay được dùng với nghĩa mới, trong một hoàn cảnh mới. Dầu muốn hay không, tiếng lóng là một thực tế đầy sinh động tồn tại trong hầu như bất kỳ ngôn ngữ nào. Đại văn hào Pháp Victor Hugo (1802-1885), trong tác phẩm Le dernier jour d’un condamné (Ngày cuối của một tử tù), in năm 1828, đã từng chú ý sử dụng tiếng lóng. Thậm chí trong bộ tiểu thuyết đồ sộ Les misérables (Những người khốn khổ), in năm 1861, ông để cả chương VII trong phần thứ tư để bàn về tiếng lóng. Ở Việt Nam, tiếng lóng đã được nghiên cứu từ đầu thế kỷ XX. Công trình đầu tiên về tiếng lóng trong tiếng Việt là bài viết mang tựa đề L’argot annamite (tiếng lóng trong tiếng An Nam) được đăng năm 1905 trong tập san BEFEO của trường Viễn Đông Bác Cổ (Hà Nội), của học giả nước ngoài J. N. Cheon. Năm 1925, học giả Nguyễn Văn Tố (1889-1947) cũng có bài L’argot annamite de Hanoi (Tiếng lóng Việt Nam ở Hà Nội). Năm 2001, tác giả Nguyên Văn Khang cho xuất bản cuốn Tiếng lóng Việt Nam (NXB Khoa học Xã hội), một cuốn sách có ích cho những ai quan tâm đến tiếng lóng. Song, trong công trình này còn để lại những vấn đề cần bàn bạc thêm.
Victor Hugo: "... Tiếng lóng vừa là một hiện tuợng văn học vừa là một kết quả xã hội. Tiếng lóng, căn bản là gì? Là ngôn ngữ của tiếng lóng khốn cùng. Mọi nghề, mọi nghiệp, có thể mọi ngẫu nhiên của hệ thống xã hội và hết thảy các hình thức của trí tuệ, đều có tiếng lóng của nó. Về phuơng diện thuần túy văn học, nghiên cứu tiếng lóng có thể kỳ thú hơn nhiều khoa học khác..." (trích Những người khốn khổ). Trong Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, ở Tôi kéo xe của Tam Lang, rất nhiều tiếng lóng đã được sử dụng. Những thiên phóng sự đặc sắc của Vũ Trọng Phụng như Cạm bẫy người (1933), Kỹ nghệ lấy Tây (1934), Số đỏ (1936), Làm đĩ (1936), Lục xì (1937),… cũng chứa biết bao tiếng lóng.

Nội dung trang WEB liên hệ GS TS Nguyễn Đức Dân , Điện thoại 0919420274
Kỹ thuật -trình bày liên hệ 0989091203 , , email truongsonh7@yahoo.com