Số phận của những “từ lạ”

GS TS Nguyễn Đức Dân

về trang chủ
Ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, thường xuyên xuất hiện những từ lạ - những từ ngữ không bình thường. Theo thời gian, nhiều từ sẽ mất đi nhưng cũng có những từ trở thành thông thường. Có 3 lớp từ lạ đáng lưu ý. Những khái niệm mới Xã hội luôn luôn biến đổi nên thường xuyên xuất hiện những từ ngữ chỉ những khái niệm mới lạ. Hàng năm, những nhà xuất bản lớn luôn luôn có những từ điển những từ ngữ mới xuất hiện trong năm. Nhưng nhiều khi vừa in xong thì ngay trong năm đó lại xuất hiện những từ rất mới nữa. Ví dụ quyển Oxford Dictionary of English NewWords.pdf (lần thứ hai) của Oxford University Press, xuất bản năm 2003 nhưng lại không có từ yuppie , một từ xuất hiện năm 2003 và được tạo thành từ 4 từ: young, urban (ở thành phố), professional (có chuyên môn), hippie (có tham vọng và một chút nổi loạn). Khái niệm này đã được thảo luận trên Diễn đàn thanh niên thế giới (Voice of Youth). Nhiều từ ngữ lạ bị thời gian đào thải nhưng cũng nhiều từ ngữ tồn tại mãi làm vốn từ của chúng ta tăng lên, phong phú lên. Những từ ngữ lạ xưa như trái đất là những từ liên quan tới những khái niệm khoa học. Một từ mới được đặt ra cho một khái niệm khoa học thường được dùng vĩnh viễn. Một nhà khoa học Mỹ phát hiện một loại hạt cơ bản. Trong lúc loay hoay tìm tên đặt cho loại hạt này thì nghe tiếng quạ kêu. Ông bèn gọi loại hạt này là quark. Cái từ mô phỏng tiếng quạ kêu nghe lạ lẫm này trở thành một thuật ngữ được dùng chết luôn trong vật lí lượng tử. Khi mới xuất hiện, những đơn vị đo lường kg, km, ha, m, cm…cũng là những từ lạ. Nhiều người không hiểu tại sao lại viết như vậy. Không hiểu thì vẫn phải dùng. Có những nông dân nói: “Nhà tôi có 3 ha đất” mà không nói “Nhà tôi có 3 héc ta đất”. Đơn vị đo diện tích héc ta được viết tắt là ha là một kí hiệu quốc tế nhưng vẫn là một từ tiếng Việt. Hiện nay cách viết 300K (với nghĩa là 300.000) trông lạ mắt. Có người cho là tiếng lóng. Thật ra, K là qui ước cho số 1000, theo chữ đầu k trong km (= 1000 m), kg (=1000 gam), kw (= 1000 watt)… Số là trong thế kỷ 20, có qui ước cách viết cho máy tính như sau: mỗi ngày, tháng, năm được viết bằng 2 chữ số, chẳng hạn ngày 30 tháng 4 năm 1975 sẽ được viết là 30.04.75. Gần bước sang thiên niên kỷ thứ ba, những chuyên gia tin học trên thế giới rất lo lắng về “sự cố máy tính Y2K”, tức là “sự cố máy tính năm 2000”. Y2K là viết tắt của Year 2000. Lo vì không biết trong một hợp đồng kinh tế, hoặc giở lại những văn bản ngoại giao, nếu gặp 30.04.75 thì máy sẽ hiểu thế nào? Ngày 30.04.1975 hay ngày 30.04.2075? Thấy cách viết Y2K ngắn gọn, một số nước đã dùng cách viết tắt này, thay vì ba chữ số 0 người ta dùng một chữ K. Qui ước này có hạt nhân hợp lí, nên ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Việt Nam không là một ngoại lệ. Điều gì hợp lí thì sẽ tồn tại. Trước lạ sau quen. Hiện nay cách viết 300K (với nghĩa là 300.000) trông lạ mắt, thậm chí trông khó chịu với một số người, nhưng trong một tương lai gần, sẽ trở thành phổ biến, và được công nhận chính thức. Tiếng lóng Tiếng lóng cũng là những từ lạ. Tiếng lóng hoặc là những từ dùng không theo chuẩn mực thông thường; hoặc là những từ ngữ đặc biệt dùng riêng trong từng nhóm xã hội, thường là những tầng lớp thấp, nhằm truyền những thông tin bí mật. “Hội dịch pắc” là tiếng lóng của giới cầm bút trước đây. Duyên do là trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, chúng ta thường gọi lính Nam Triều Tiên Pắc Chung Hy (gọi tắt là lính Pắc) là lính đánh thuê. Ấy thế là tên gọi trên để chỉ “hội dịch thuê”. Ngày nay, nếu có dùng từ lóng này thì cũng chả còn mấy ai hiểu. Hội dịch Pắc đã lùi vào quá khứ. Vậy thì, không nên quá lo khi thấy trẻ em dùng tiếng lóng. Một đặc điểm của tiếng lóng là tính phù du, chóng tàn. Tiếng lóng phản ánh hiện thực xã hội, khi hiện thực xã hội qua đi thì tiếng lóng cũng âm thầm rút lui. Lứa tuổi 8x, 9x liệu có còn biết đi vùng chiến thuật; gà cồ gáy; chó lửa; nhicôlai, cụ khốt…là những tiếng lóng chỉ sự chết, đại bác bắn, súng lục, trẻ vị thành niên, cụ già cổ lỗ sĩ …? Một loạt tiếng lóng trong những phóng sự của Vũ Trọng Phụng hay Bỉ vỏ của Nguyên Hồng nay cũng không còn mấy người biết chứ chưa nói đến dùng. Đôi khi, có những tiếng lóng được xã hội chấp nhận, và vượt qua được thử thách nghiệt ngã của thời gian. Chúng chuyển thành cách dùng bình thường. Nhiều tiếng lóng xuất hiện từ thập kỷ 50, 60 thế kỷ trước đến nay được sử dụng rộng rãi. Đó là: mánh , xịn, dỏm, quê một cục, chôm chỉa, cớm, cây (vàng), quậy,… ( Lúc đầu chỉ nói trẻ em “quậy”). Có những tiếng lóng nay không dùng nữa, nhưng đặt trong ngữ cảnh thì vẫn hiểu được: Chẳng hạn, mang ba lô: “Em vì tình mang ba lô đằng trước Anh vì nước mang ba lô sau lưng.” Tiếng nước ngoài Tiếng nước ngoài cũng là những từ lạ. Do tâm lí chuộng lạ, chuộng ngoại, lại muốn khẳng định “trình độ” của mình nên không ít người sính dùng tiếng nước ngoài. Một khi xã hội thay đổi thì hiện tượng dùng tiếng nước ngoài cũng thay đổi. Thời Pháp, không ít người xài tiếng Pháp trong xưng hô như moa (¬ moi: tôi), toa (¬ toi: anh, chị…), lúy (¬ lui: nó, hắn), en (¬ elle: cô ấy), ô-rơ-voa, ô voa (¬ au revoir: chào tạm biệt). Khi tiếng Nga thịnh hành thì lại xuất hiện spaxíbô (cảm ơn); kharasô (tốt). Hoặc “Đã chẳng có trường hợp những người lương thiện, sống có nguyên tắc, nhất quán với lí tưởng, ở nhà bị con cái chê là ‘bôn’, là xơ cứng… đấy ư?” (Hà Nội mới, 13.8.1983) Hiện nay, những từ Pháp, từ Nga được thay bằng những từ Anh: ai (¬ I: tôi), ju (¬ you: anh, chị…), bai (¬ bye: chào tạm biệt), OK,… Một khi những từ ngoại này không còn lạ, không còn là “mốt” nữa và trở thành dư thừa, nhàm chán, thì nó có thể bị loại đi nếu như vẫn tồn tại những từ tiếng Việt đồng nghĩa thật sự với chúng. Người Việt luôn luôn có khuynh hướng nói theo mã tiếng Việt, nghĩa là nói theo những từ ngữ và cấu trúc căn bản được lưu truyền qua nhiều thế hệ. (Theo cách nói thời thượng, đó là khuynh hướng loại bỏ những yếu tố ngoại lai để “giữ gìn bản sắc tiếng Việt ”). Tuy nhiên, có những từ nước ngoài mang lại một sắc thái mới lạ làm giới trẻ thích thú mà những từ Việt tương đương lâu đời nghĩa dùng đã quá quen thuộc không mấy kích thích. “Teen” là một ví dụ. Trong nhiều trường hợp nên thay “tuổi teen” bằng “tuổi thiếu niên”, “tuổi hoa niên”, “tuổi choai choai” (nam), “tuổi ô mai”, “tuổi chanh cốm” (nữ). Nhưng “tuổi teen” vẫn hấp dẫn nhiều bạn trẻ. Từ nhu cầu lôi kéo giới trẻ tò mò tìm đọc mà mới đây một nhà xuất bản và công ty sách đã in bộ sách 4 tập: Khi teen ở nhà, Khi teen đến trường, Khi teen kết bạn & hẹn hò…(VTV1, Chào buổi sáng, 17.11.2010). Từ “teen” sẽ có chỗ đứng và trở thành một từ “quen dùng” trong tiếng Việt.

Nội dung trang WEB liên hệ GS TS Nguyễn Đức Dân , Điện thoại 0919420274
Kỹ thuật -trình bày liên hệ 0989091203 , email truongsonh7@yahoo.com