Câu đúng, câu sai: những ranh giới mong manh

GS TS Nguyễn Đức Dân

về trang chủ
Câu sai được chia thành nhiều loại: sai chính tả, sai từ ngữ, sai ngữ pháp, sai lô gích, sai phong cách … Nhìn nhận hiện tượng sai không đơn giản Có những cơ quan nhà nước đầy quyền hành về chữ nghĩa cũng có những quyết định không chuẩn. Lấy lại tên gọi sau 99 năm Lấy tên người đặt cho tên một vùng đất, một con kênh, một thị trấn… là chuyện bình thường. Nhưng viết thế nào mới đúng? Bang California (Mỹ) có một thị trấn được đặt theo tên ông Smart, người xây dựng tòa nhà đầu tiên của thị trấn vào năm 1856. Theo ngữ pháp tiếng Anh, lẽ ra “thị trấn của ông Smart” viết là Smart’s ville thì người ta lại viết Smartsville. Năm 1909 Cơ quan Bưu điện Mỹ tuyên bố chữ S thứ hai trong Smartsville là sai ngữ pháp. Từ đó, thị trấn này được gọi bằng Smartville. Từ nhiều năm qua người dân thị trấn này đấu tranh giành lại tên gốc, giành lại ‘nguồn gốc , danh dự và sự nổi tiếng’ của thị trấn. Tháng 5.2008, Cơ quan phụ trách các tên gọi địa lí Mỹ phán quyết rằng, thị trấn có quyền sử dụng tên gốc Smartsville của mình. (TT, 28.5.08). Vậy là thị trấn này được phép lấy lại tên cũ sau khi mất chữ S thứ hai trong suốt 99 năm qua. Không có khái niệm sai về tên đặt ra trong giấy khai sinh. Cũng không có khái niệm sai về bút danh, bí danh. Ai muốn viết như thế nào mặc lòng. Tên gọi “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” là đúng, mặc dù theo trật tự Hán-Việt có người cho rằng phải đảo lại trật tự mới chuẩn. Có câu, người này cho là sai nhưng người khác lại thấy đúng. Câu “Với đồng lương hưu không đủ sống, từ những năm 1987, anh đã viết hàng chục lá đơn…” (NB&CL, 9-10/1993) đã bị T. Nh. phê là chỉ có một năm 1987, sao lại dùng từ những? Và NB&CL đã cám ơn. Ấy thế nhưng chúng ta có thể hỏi: Phải chăng câu trên đây không sai? Trong tiếng Việt từ những còn được dùng với ý nghĩa nhiều: “Tôi cao những 1m8”, “Ông ấy có những 3 biệt thự”. Khi người bố hỏi “Tối qua con đi những đâu?”, người con có thể đáp vào từ những: “Có đâu mà những! Con chỉ sang ôn bài ở nhà Bé Ba”. Vậy nếu người viết muốn nói từ nhiều năm rồi, từ những năm 1987, thì câu trên đâu có sai? Không sai nhưng lại là…sai Không sai nhưng trái ý người viết Trên tuần báo P có bài “Người Hà Nội mù chữ”. Bài này chỉ nêu lên hiện tượng có một số người Hà Nội mù chữ, thế mà lại viết “người Hà Nội ”. Viết vậy hoá ra: Mọi người Hà Nội đều mù chữ. Đầu đề này mang định hướng chê người Hà Nội, ngược với ý tác giả bài phóng sự. Bây giờ chúng ta thử đổi thành: “Người Hà Nội cũng mù chữ?” Do dùng kiểu hỏi, đầu đề này thể hiện được sự ngạc nhiên chứ không còn là lời chê nữa. Từ cũng trong câu hỏi này tạo nên ý sau: người vùng nào mù chữ còn hiểu được chứ “người Hà Nội mà cũng mù chữ” thì không thể tin được. Kết quả là trong thâm tâm có ý đánh giá cao Hà Nội về dân trí. Khen cái này lại phủ định cái kia Có bài viết “Khác với “Dế mèn phiêu lưu ký”, truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” là một tác phẩm đã đem lại nhiều tiếng vang lớn cho nhà văn Tô Hoài”. Câu trên ca ngợi truyện “Vợ chồng A Phủ” nhưng vô tình đã hạ thấp “Dế mèn phiêu lưu ký”. Thế là khen cái này, nếu vô ý về câu chữ có thể dẫn tới chê cái kia. Cụm từ “khác với” mở đầu trạng ngữ của câu đã tạo ra hàm ý không mong muốn đó. Chỉ cần thay “khác với” bằng “giống như” chúng ta sẽ được một câu ca ngợi cả hai tác phẩm : “Giống như “Dế mèn phiêu lưu ký”, truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” cũng là một tác phẩm đã đem lại nhiều tiếng vang lớn cho nhà văn Tô Hoài”. Một ví dụ khác, trên báo H., có người viết về tình cảm với Xuân Diệu của nhà thơ Trần Đăng Khoa như sau: “Hồi nhỏ, Trần Đăng Khoa rất kính trọng nhà thơ Xuân Diệu.” Đọc dòng trên độc giả sẽ hỏi: Hồi nhỏ là vậy còn hiện nay thì sao? Đã khẳng định “hồi nhỏ rất kính trọng” thì hiện nay không thể là “rất kính trọng” được nữa vì nếu trước sau vẫn luôn luôn rất kính trọng thì cần gì tới trạng ngữ “hồi nhỏ”? Ấy thế là hồi nhỏ rất kính trọng còn hiện nay thì khác… nghĩa là không rất kính trọng nữa! Ca ngợi như vậy thì bằng mười phụ nhau. Cách dùng trạng ngữ như vậy sẽ tạo ra những câu có hàm ý. Những câu sau cũng gây ra những hiểu lầm tai hại cho dù người viết có thể không có ngụ ý gì: “Hồi trước , ông ấy liêm khiết lắm.”, “Nó đã từng là người tử tế.”… Không sai nhưng không thích hợp với tình huống Nói năng trong giao tiếp bạn bè khác giao tiếp trước công chúng. Trò chuyện trên bàn ăn khác giao tiếp nghi lễ chính thống. Có những quốc gia quy định về ngôn ngữ văn hóa trong những môi trường nhất định. Tại Quốc hội Ixraen (Knesset), một quy định về “đạo đức lời nói” bắt đầu có hiệu lực từ 21.6.2001. Ông nghị nào vi phạm sẽ bị … chế tài. Theo quy định này có một danh sách các từ cấm kị mà các ông nghị không được dùng trong Quốc hội. Đó là những từ thô tục, là những từ mà người Ixraen cho là lăng nhục họ, như “kẻ phản bội”, “tên thất học”, “tên độc ác”, “kẻ giả dối”… và là những từ mang màu sắc chính trị hoặc tôn giáo như “bài Do Thái”, “phát xít”, “tên khủng bố”, “chính phủ của những kẻ giết người”… (TT, 23.6.2001). Một vận động viên thể thao thường bị coi là “võ biền” nhưng trước công chúng thì không được phép có những cử chỉ và lời nói thiếu văn hóa. Trong trận bán kết giải Wimbledon ngày 03.7.2009, đang trong lúc thi đấu Andy Murray bị trọng tài nhắc nhở vì có những lời nói ‘không thích hợp.’ Ngoài đường phố, trong quán cà phê, khi “tám” với bạn bè có thể dùng ngôn ngữ đường phố, dùng tiếng lóng, nhưng trong nghị trường thì không thể nói “Tôi đồng ý xử nghiêm. […] Nghiêm ở đây không có nghĩa sai là “chặt chém” ngay, như vậy thì hết người, không có người để làm.” (TT, 13.6.2010) Thay đổi, thêm bớt một từ, một dấu có thể làm nội dung câu khác hẳn đi. Câu đúng đấy nhưng vẫncó thể … sai.

Nội dung trang WEB liên hệ GS TS Nguyễn Đức Dân , Điện thoại 0919420274
Kỹ thuật -trình bày liên hệ 0989091203 , email truongsonh7@yahoo.com