LẠI_một từ đặc biệt lý thú

Nguyễn Đức Dân

về trang chủ

Tôi viết từ lý thú như thế này là không đúng với quy định về cách viết i ngắn và y dài của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Sở dĩ vậy vì khi đưa ra quy định này Bộ GD&ĐT lại không chú ý tới quy luật về tính thẩm mỹ trong nhận thức về con chữ của người Việt: hình chữ phải đẹp. Ở đây là sự cân xứng về độ cao trên dưới trong một từ. Viết đẹp hơn viết lí. Mong bạn đọc thông cảm cho tôi khi “phá rào” viết lý thú, lý do, lý luận, lý lẽ, đạo lý, kỹ  sư, kỹ  thuật, kỹ lưỡng…

Tiếng Việt lý thú vì có những hiện tượng từ vựng, ngữ nghĩa, ngữ pháp mới nhìn tưởng như vô cùng phức tạp, đến nỗi “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, nhưng nhìn kỹ thì có thể giải thích được bằng quy luật nhận thức (cognition) đơn giản mà tinh tế, về nghĩa và những hiện tượng chuyển nghĩa trong tâm thức người Việt ở một số từ cơ bản. Trong số này có hai từ ĐI và LẠI.

Xưa nay ĐI, LẠI được coi là những từ đa nghĩa. Trong TĐTV (Từ điển tiếng Việt) của Viện Ngôn ngữ (Hoàng Phê chủ biên), từ lại được miêu tả là có 12 nghĩa động từ, 2 nghĩa phụ từ và có 13 nghĩa trong những tổ hợp “lại + X”. Vị chi 27 nghĩa. Từ đi thuộc 3 loại từ khác nhau: động từ, phụ từ, trợ từ. Động từ đi có 18 nghĩa, trợ từ đi có 4 nghĩa. Và có hơn 40 tổ hợp “đi + X”. Liệu có tìm được con đường chuyển nghĩa của từ đi lại  hay không? Chúng tôi sẽ chứng minh rằng tất cả những nghĩa này đều sinh ra từ một nghĩa gốc trong quá trình nhận thức về hai từ đi, lại. Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi chỉ trình bày về nghĩa của từ lại.

*

*      *

Nghĩa gốc của hai từ đi, lại được người Việt nhận thức như sơ đồ hình ảnh dưới đây.

                                                                        

Hình trên có nghĩa là: Trong tâm thức người Việt, “lại”  đối lập với từ “đi”. Chúng chuyển động theo hai hướng ngược nhau. Đi theo hướng dời khỏi gốc có mục đích. Lại theo hướng trở lại gốc. Có ra đi mới có sự trở lại, nên đi là chuyển động thuận còn lại là chuyển động ngược.  Những điều trên đây làm nên lược đồ nghĩa của chúng. Nhờ sơ đồ hình ảnh trên chúng ta giải thích dễ dàng được những nghĩa khác nhau của chúng đã ghi trong TĐTV.  

      Giả thuyết về hiện tượng chuyển nghĩa của những từ chuyển động trong không gian: Không gian hình học chiếu vào thời gian và những không gian xã hội khác. Nghĩa là chúng ta nhận thức được những thuộc tính thời gian, thuộc tính trong tự nhiên cũng như xã hội trên cơ sở những thuộc tính trong quan hệ không gian hình học.

*

*      *

Những kiểu nghĩa của từ LẠI

 

Trước hết, khi nói năng người nói luôn luôn xác định một điểm nhìn, thường  lấy mình làm gốc nhưng cũng có thể  lấy một điểm nào đó làm mốc định vị, hình thành các nghĩa 2, 3 (trong TĐTV): Lại đây với mẹ”, “Mai tôi sẽ lại anh chơi”, “Anh lại quán cà phê trường mình đợi tôi nhé, tôi có việc lại đằng này một lát”.

Có ra đi mới có sự trở lại. Do vậy lại trỏ sự lặp lại một vị trí, một hành động, một sự kiện hay một thuộc tính, như nghĩa 4, nghĩa II.1: “Đoạn này phải viết lại”, “Trời lại mưa”.  Chuyển về điểm gốc là chuyển về nơi đã xuất phát.  Điều này dẫn chúng ta phát hiện ra một hiện tượng chuyển nghĩa quan trọng, nghĩa 12: lại trở về trạng thái ban đầu. Do vậy, chúng ta bỏ đi được hàng loạt mục từ “lại + x” ghi trong TĐTV: lại gạo, lại người, lại giống, lại hồn, lại sứcNhững tổ hợp từ này sẽ chỉ còn là những ví dụ minh họa giống như trẻ lại,  khoẻ lại, lấy lại tinh thần,  tìm lại họ hàng … “Ông/Bà lại nhà ạ!” là lời nói khi tiễn khách trở lại nhà mình, nơi đã ra đi.

Ra đi rồi trở lại biểu trưng cho vòng tuần hoàn. Do vậy lại kết hợp với đi tạo ra sự tái diễn nhiều lần của một hành động, một hiện tượng. Đó là nghĩa 5: làm đi làm lại mãi; suy đi nghĩ lại; Trên đường rất nhiều người đi lại.

Chuyển động của lại là ngược chiều. Do vậy từ lại được dùng thể hiện những hành động phản xạ, phản ứng đáp trả, như hai nghĩa 6, 7: trái banh bật lại; thối lại tiền; cãi lại;  phê phán lại; đánh lại; bắn lại;  hòn đất ném đi hòn chì quăng lại  

 

Cú pháp hình thành từ ngữ nghĩa

Sự lặp lại chuyển thành sự phù hợp nghĩa. Đây là sự phù hợp về mục đích, kết quả hay tính chất. Ngô Tất Tố viết “Hai ông ấy đã làm nghề tri huyện lại kiêm cả nghễ đào mỏ , chẳng qua cũng muốn vinh thân như mọi người” (Tác phẩm I). Rõ ràng là hai nghề “tri huyện” và “đào mỏ” (lấy vợ con nhà giàu) có cùng mục đích, nghĩa là phù hợp nhau. Nghề đào mỏ lặp lại mục đích vinh thân như nghề tri huyện.

Hai từ và, nữa cũng được dùng để nối những từ có nghĩa phù hợp nhau. Thế là xuất hiện những cấu trúc cú pháp vừa có từ lại vừa có và, nữa thể hiện hai đối tượng có nghĩa phù hợp nhau:  A và lại B” (® A vả lại B), “Khuya rồi, vả lại anh đang mệt, nên đi ngủ thì hơn”; “A lại B nữa”, “Chị ấy rất thông minh lại cần cù nữa”; “Đã  A  lại  B”, “Đã rẻ lại tốt nữa”.

Đi là chuyển động thuận còn lại là ngược nên lại chuyển thành một nghĩa mới trỏ những hiện tượng ngược đời, trái ngược với thông thường như các nghĩa II.2, 6 và 7. Từ nhưng, mà cũng thể hiện sự đối lập nên phù hợp với lại. Ấy thế là hình thành những cấu trúc cú pháp thể hiện sự so sánh đối lập về nghĩa: “X thì  A nhưng (mà) Y lại B”,  “Viết chữ quốc ngữ sai vần mà lại  cứ hay nói chuyện chính trị rối rít cả lên.” (Nam Cao, Đôi mắt);  “X thì  A nhưng  còn Y  lại B ”, “Tôi mù nhưng tôi biết đi con đường sáng, còn  người sáng lại đi con đường mù.” (Tiếng Việt, lớp 4)

             Thường thì, những gì ngược với sự nhìn nhận của mình là người ta nghi ngờ, thắc mắc, chất vấn và dẫn tới bác bỏ.  Ấy thế là trong tiếng Việt có những cấu trúc chất vấn dùng từ lại để bác bỏ điều ngược đời, các nghĩa II.2, 11: “Không A sao lại B?”, “Không nghe tiếng máy bay, sao lại có pháo sáng?” (Nguyễn Minh Châu, Mảnh trăng cuối rừng); “Sao lại A!”, “Sao tôi lại không biết!”; “Sao cô lại tin những điều rao giảng ấy!”; “Chả lẽ A lại x!”, “Anh Viện không giúp người nhà mình chả lẽ lại đi giúp người ngoài à?” (phim VTV3, Chủ tịch tỉnh, t.32); “Thưa cậu thế chẳng nhẽ làm cái thằng con giai mà lại không có vợ.” (Nam Cao, Sống mòn);A gì mà lại x?”, “Tiến sĩ gì mà lại đi cọp bài học viên làm “công trình khoa học” của mình? 

Có phải duyên nhau thì thắm lại

Quả cau, nho nhỏ, miếng trầu hôi/ Này của Xuân Hương đã quệt rồi/ Có phải duyên nhau thì thắm lại/ Đừng xanh như lá bạc như vôi” (Hồ Xuân Hương)

Khi phân tích cái hay trong bài thơ Mời trầu này, chưa thấy ai bình luận về từ lại, cái từ  không thay được bằng  bất kỳ từ nào khác mà không làm mất đi ý tứ cốt lõi của nó: người mời trầu trao niềm mong ước gắn bó, hòa quyện, quấn quít, không tách rời nhau. Nghĩa này rất rõ ràng trong sơ đồ hình ảnh của chúng ta: Trở lại gốc là chuyển động hướng tâm, tập trung, khoảng cách ngắn lại, không gian thu nhỏ lại. Nghĩa này bao trùm các nghĩa 8, 9, 10.  

Vì vậy có thể dùng từ lại đứng sau những chuyển động hoặc hành động nào được nhìn nhận là hướng tâm, tập trung, làm không gian, thể tích của đối tượng thu nhỏ lại: gom lại, dồn cục lại, tập hợp lại, xúm lại, cụm lại, dúm lại, chất  đống lại, vun lại, thót bụng lại, thu mình lại, nhắm mắt lại,  trói lại, gói lại, cuộn lại, gấp lại, đọng lại, nhỏ lại,  ngắn lại, co lại, tóp lại, hóp lại, teo lại, mắt ríu lại, người choắt lại, quắt  lại,  hẹp lại, đặc lại, đường cô lại, khít lại…Và “có phải duyên nhau thì thắm lại”.