Chữ tác đánh chữ tộ

GS TS Nguyễn Đức Dân

về trang chủ
Nếu một từ rất ít dùng nhưng lại na ná về âm thanh và chữ viết với một từ quen thuộc thường dùng sẽ dễ xảy ra hiện tượng trông gà hóa quốc, chữ nọ xọ chữ kia.

Cẩn thận: ngư dân có thể thành ngu dân Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ hai Hội nhà báo Việt Nam ngày 16.4.1959, ở đoạn đề cập tới tầm quan trọng của ngành in, Bác Hồ nói đại ý khi gọi người đánh cá là “ngư dân” người thợ sắp chữ có thể sắp thiếu cái dấu của chữ ư, rồi in thành ra “ngu dân”. Hồ chủ tịch đã chú ý tới hiện tượng “chữ tác đánh chữ tộ” trong khâu đánh máy, in ấn. Và lời Bác Hồ cũng từng bị nhà báo nghe nhầm: Khi tham gia chống hạn vào đầu xuân 1958, Bác nói với một nhà báo: “Muốn viết về nghề nông thì phải biết lao động”. Trong bài báo “Hai mẩu chuyện về Bác Hồ” câu này được in hoa đậm thành một tiểu đề: “Muốn biết về nghề nông thì phải biết lao động” (dẫn NLB, 2.96). Nghĩa đã khác hẳn. Nhiều chuyện bi hài về những lầm lẫn kiểu này. Những lầm lẫn hài hước Mặt chữ giống nhau, khác chút xíu về dấu huyền và dấu mũ. Ấy thế là “Kẻ làm dâm khấn vái Bà Chúa Thai Sanh. Xin mẹ tròn con vuông, chẳng đặng trai thì đặng gái” (GN, 24.7.1999). Gái làm dâm lại muốn sinh con? “Kẻ lâm dâm khấn vái”, trời ạ! Không chút chú ý tới viết hoa hay viết thường, lại lẫn hai dấu thanh huyền và hỏi nên cố đạo Alexandre de Rhodes được kết nạp Đảng: “Nhìn qua sơ yếu lí lịch của cố đạo Alexandre de Rhodes ta thấy nhiều điều đáng kính nể: người Pháp, gốc Do Thái, sinh 1591, mất 1660, vào Đảng trong năm 1624, 4 tháng thông thạo tiếng Việt…” (GD&TĐ, Từ Yersin…, 20.9.93). Chúng ta biết ngay đây là lỗi mo rát. Cụm từ “vào Đàng Trong” ít người biết. Vì vậy, trong lúc tập trung vào bàn phím người đánh máy đã lẫn thành vào Đảng trong … Chữ này lộn sang chữ kia: mất ghế vì “ý đồ chính trị”(!) Trên báo TTT, số 21 tháng 5.1994, ở trang 10 có một tít in đậm “Uy tín của dòng họ Nêru – Gandi ở Ấn Độ không phải nhất” May mà hôm sau có đính chính lại: “Uy tín của dòng họ Nêru – Gandi ở Ấn Độ không phai nhạt”. Hú vía, Ban biên tập không việc gì! Dấy phẩy và chữ i: Trong câu “…các nước xã hội chủ nghĩa đó,…” dấu phẩy đặt sau chữ đó bị sắp nhầm thành chữ i, khi in ra thành “…các nước xã hội chủ nghĩa đói…” Không biết tiếng nước ngoài lại phải sắp chữ tiếng nước ngoài, nên “…có lần bản thảo viết “l’amiral” (đô đốc), thợ sắp chữ nhầm thành “l’animal” (con vật), người sửa bài không phát hiện được, sự việc thành to chuyện. Có ai đó đã suy diễn ra rằng đây là vấn đề “chính trị”, quan điểm và tư tưởng chứ không chỉ là sự sơ xuất! Và người sửa bài đã phải chịu trách nhiệm, bị kỉ luật và thay đổi công tác. (Theo NB&CL, Quá nhiều lỗi trên báo chí, 1994) Lầm lẫn những khái niệm quan trọng Những lầm lẫn giữa hai từ na ná âm thanh và rất gần nghĩa dễ dẫn tới những khác biệt quan trọng. Trong bài “Xử kín: có thể hay phải làm?” (PL TpHCM, 18.7.2000) có câu “Cũng như con chiên khi được vị linh mục làm phép rửa tội đều đã tường trình hết mọi lỗi lầm của mình mà tòa buộc vị linh mục ấy ra tòa làm chứng về việc liên quan đến con chiên của mình thì còn ai dám nói lên sự thật để xin tội với cha?” Sao lại xin tội với cha? Phải là xưng tội với cha chứ. Hiến pháp hay biến pháp? Trên báo GN số 546 (17.7.2010), tác giả Nguyên Cẩn viết: “Theo GS Phùng Hữu Lan […] hiến pháp mà Thương Ưởng thực hiện ở đời Tần Hiếu Công…” (dẫn TTC, 01.10.2010) Nước Tần thời Xuân Thu – Chiến Quốc sao đã có hiến pháp được? Từ đúng là biến pháp – cách gọi tắt của “biến pháp đồ cường” (thay đổi chính sách để mưu sự cường thịnh). Đây là chủ trương nhất quán của Tần Hiếu Công (361 – 338, TCN) do Tả thứ trưởng – chức tướng quốc nước Tần - Thương Ưởng (390-338, TCN) vạch ra kế sách này. Dù kế sách của Thương Ưởng làm nước Tần giàu mạnh nhưng ông cũng bị nhiều người ghét. Khi Tần Hiếu Công chết đi, ít lâu sau Thương Ưởng bị vua mới là Tần Huệ Vương xử tử. Từ câu hay hóa câu thường Trên báo Thủ đô Hà Nội số 10.10.1959 đăng bài thơ Chín mùa trông đợi của nữ sĩ Ngân Giang, trong đó có khổ thơ Nhịp tim hòa lẫn nhịp chân đi Sóng mắt hòa trong sóng quốc kỳ Lắng bước anh hùng trong khúc nhạc Nghe hồn thiêng dân tộc dẫn đường về. Sao trong khổ thơ 7 chữ này, câu cuối lại những 8 chữ? Chữ nghe dư thừa làm hỏng câu cuối. Hóa ra chữ nghe là “tác phẩm” của người thợ xếp chữ. Có lẽ từ ghép lắng nghe quen thuộc làm nên “mạch văn” câu trên có lắng thì câu dưới có nghe. Lẫn lộn ngã thành hỏi đã phá hỏng một bài thơ hay. Khi in bài thơ “Lên đỉnh Côn Sơn tìm Nguyễn Trãi Trên đầu xanh ngắt một bầu không Bàn cờ thế sự quân không động Mà thấy quanh mình nỗi bão dông” nhà thơ Khương Hữu Dụng đã từng tìm đến tận nhà in để dặn người xếp chữ đừng sắp nhầm chữ nỗi thành chữ nổi. Ấy thế nhưng trên tờ lịch ngày 03.4.2002 của nhà xuất bản VH lại mắc đúng cái lỗi mà Khương Hữu Dụng đã lo người thợ hiểu nhầm: Mà thấy quanh mình nổi bão dông. Danh ngữ nỗi bão dông đã chuyển thành động ngữ “nổi bão dông (tùm lum!)” trong khi “trên đầu xanh ngắt một bầu không” tĩnh lặng và “bàn cờ thế sự quân không động”. Từ câu ít hay thành câu rất hay Có một giai thoại nổi tiếng về chữ tác đánh chữ tộ trong văn chương Pháp: Năm 1601, Fr. de Malherbe (1555- 1628) xuất thần làm bài thơ điếu 40 câu (10 khổ), chia buồn với một nhà quý tộc có cô con gái chết trẻ. Hai câu cuối của khổ thứ tư nguyên tác là: Et Rosette a vécu ce que vivent les roses //L’espace d’un matin (Nàng Rosette như kiếp hoa hồng // Sớm nở tối tàn) Thợ sắp chữ nhầm thành Et, rose, elle a vécu ce que vivent les roses // L’espace d’un matin (Là bông hồng, nàng như kiếp hoa hồng// Sớm nở tối tàn). Câu thơ thật lung linh hình tượng. Khoảng đầu những năm 60 “nhà thơ Xuân Quỳnh, lúc đó đang học khoá I trường Bồi dưỡng những cây bút trẻ của Hội nhà văn ở Quảng Bá, có gửi đến nhà xuất bản Văn học một bản thảo thơ có tên Trời biếc, nhưng chị đã viết chữ Trời thành Chời, hai biên tập viên lúc ấy của nhà xuất bản Văn học là Yến Lan và Khương Hữu Dụng, đều là người miền Nam, đã đọc chời thành chồi. Thế là tập thơ trở thành CHỒI BIẾC, đã in chung với TƠ TẰM của Cẩm Lai” (Văn nghệ trẻ, 04.7.99) Mấy khi nhầm sai hóa hay!

Nội dung trang WEB liên hệ GS TS Nguyễn Đức Dân , Điện thoại 0919420274
Kỹ thuật -trình bày liên hệ 0989091203 , email truongsonh7@yahoo.com